Game online + thảm kịch nghịch tử = quản lý thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Cấm game online là việc nan giải, nhưng cần thiết, bởi một số game không lành mạnh đang làm suy đồi đạo đức giới trẻ...

Liên tục trong thời gian qua, rất nhiều vụ án thương tâm xảy ra, con giết cha, con đánh mẹ giữa, hiếp dâm...mà đối tượng đều là những "tín đồ" của game online, khiến cho các bậc phụ huynh và dư luận xã hội hết sức lo lắng và phẫn nộ.

Nghiện game online...thành sát thủ

Mới đây nhất, dư luận TP.HCM và cả nước quan tâm đến vụ việc một nam thanh niên dùng mũ bảo hiểm đánh chính mẹ ruột của mình giữa đường tại phường Cát Lái (quận 2, TP.HCM). Sự việc xảy ra vào sáng 6/1 khi Trần Nguyễn Thanh B (hiện đang học lớp 12), ngụ khu dân cư Cát Lái trên địa bàn phường đang được mẹ chở trên đường Nguyễn Thị Định. B đòi mẹ mua tai nghe nhạc nhưng bị từ chối. Bất ngờ B nhảy xuống xe dùng đá ven đường, mũ bảo hiểm đánh mẹ tới tấp. Đúng lúc này, nhiều chiến sĩ CSGT quận 2 trên đường tuần tra đã dừng lại can ngăn khống chế B và điện báo Công an phường.

Trước đó, trong tháng 12/2012, B cũng khóa cửa nhốt để đánh mẹ và đập phá đồ đạc trong nhà. Khi bị đưa về trụ sở Công an phường làm việc, mẹ của B xác nhận và đưa ra sổ theo dõi của bệnh viện về việc con mình đang uống thuốc liên quan đến vấn đề thần kinh. Theo gia đình B thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do em mê chơi game có tính bạo lực; xem phim đồi trụy và nghe nhạc bẩn…trên máy vi tính.

Theo tìm hiểu, nhiều đối tượng do nghiện "game online" đã ra tay giết người, cướp của một cách dã man. Cụ thể, ngày 21/5, Nguyễn Minh Thông (SN 1995, cư ngụ ấp Tân Hiệp, xã Tân Long - Mang Thít, Vĩnh Long) đã đột nhập nhà của chị Ngô Thị Linh Thủy (SN 1971, cùng địa phương) để trộm tài sản. Nhưng khi lẻn vào nhà lấy trộm thì bị chị Thủy phát hiện, Thông liền dùng dao mang theo đâm nhiều nhát và dùng chày đâm tiêu đánh liên tục vào người của chị Thủy. Khi chị Thủy bị trọng thương, hung thủ đã lục soát trên người của chị lấy 26.000.000 đồng cùng một sợi dây chuyền và một chiếc lắc vàng 18K. Lấy tài sản trên người chị Thủy xong, Minh tiếp tục lục soát tìm các tài sản trong gia đình chị Thủy mới bỏ về.Theo gia đình Thông cho biết, Nguyễn Minh Thông, trộm cắp tài sản để chơi game online.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4, Chuyên ngành tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Trong những năm công tác tại khoa, tôi đã từng gặp rất nhiều những bệnh nhân phát cuồng vì game trong đó có game sex. Từ khi có internet, nhiều “tín đồ” của trò chơi này đã phải nhập viện. Có trường hợp hai chị em nghiện "game sex" đã làm “chuyện người lớn” trong suốt thời gian bố mẹ vắng nhà.

Không chỉ suy đồi đạo đức, vi phạm pháp luật, nhiều trẻ vị thành niên do nghiện game đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, học hành sa sút. Ths.Bs Phạm Ngọc Thạch, Khoa ngoại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cho biết, đã từng tiếp nhận ca thủng dạ dày của bệnh nhi 15 tuổi, do “nghiện” game, chơi suốt ngày đêm và bỏ bữa gây thủng dạ dày.

Hàng trăm, hàng nghìn vụ việc đau lòng khác đã xảy ra, khiến nhiều trẻ thành niên, vị thành niên vì nghiện game mà sa vào vòng lao lý. Đó thực sự là thực trạng đáng báo động của các bậc phụ huynh cũng như toàn xã hội.

Cấm "game online" là việc làm cần thiết

Trao đổi với PV Kiến Thức về thực trạng "nghiện game" dẫn đến nhiều thanh niên đang ngồi trên ghế nhà trường vi phạm pháp luật, cũng như suy mòn đạo đức, lối sống, GS Văn Như Cương cho rằng, cấm "game online" là việc làm cần thiết.

"Những trò chơi game luôn thu hút thanh niên, học sinh, sinh viên. Nhưng trong số đó cũng để lại không ít những hệ lụy, nhiều em chơi game cả ngày mà bỏ bê học hành.Ảnh hưởng đến tương lại sau này cũng như ý chí phấn đấu của các em trong học tập. Bên cạnh đó, nhiều game bạo lực cũng dẫn đến tình trạng, thanh niên nghiện game mà suy đồi đạo đức lối sống. Ví như vụ con đánh mẹ giữa đường vì xin tiền không cho do nghiện game chẳng hạn. Đó là điều khó có thể chấp nhận ở một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường", GS Văn Như Cương cho biết.

 Giáo sư Văn Như Cương.

GS Văn Như Cương cũng cho rằng: "Muốn cấm được "game online" không chỉ ở cơ quan quản lý, mà rất cần sự giáo dục của nhà trường và gia đình học sinh. Nhà trường nên trao đổi với các em những mặt trái của các trò chơi trực tuyến, khuyên các em dành nhiều thời gian cho học tập, rèn luyện, giáo dục sao để các em nhận thức được, từ đó mà bản thân các em sẽ ý thức được những việc mình làm. Bên cạnh đó, gia đình phải quản lý được thời gian của con cái, con đang là học sinh mà đi chơi đến 12 giờ đêm mà không biết, tôi e là không ổn".

"Mới đây, tôi có nghe đến việc quản lý dịch vụ trò chơi điện tử công cộng chỉ được hoạt động từ 8 giờ sáng đến 22 giờ tối. Tôi cho rằng, đây là việc làm cần thiết để hạn chế những tác hại của game online. Tuy nhiên, quy định đề xuất như thế nhưng có làm được không? Thực tế chúng ta có nhiều lệnh cấm. Nhưng cấm chơi, nên tôi rất băn khoăn", GS Cương nhìn nhận.

"Tôi nghĩ cấm game online là điều cần phải làm ngay. Gia đình tôi bận việc, con cái đến trường, cháu trốn học đi chơi game, đến khi họp phụ huynh thì tôi mới biết kết quả học tập của cháu sa sút đến mức thất vọng. Nhiều lần cháu còn nói dối tôi để xin tiền đóng học, thực chất là mang số tiền đó đi chơi game. Nếu không cấm được thì phải quản lý sao cho hợp lý, có nhiều những game giáo dục, hạn chế những game bạo lực, làm ảnh hưởng đến đạo đức trẻ em", Bà Nguyễn Thị Liên, Dịch Vọng Hậu ( Cầu Giấy, Hà Nội) ủng hộ việc cấm "game online".

Không cấm được nhưng sẽ quản lý chặt

Về vấn đề quản lý game, ông Lưu Vũ Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên VTC, nguyên Cục trưởng Cục PTTH và TTĐT ( Bộ TT-TT) cho biết, trong một thời gian dài, dư luận, xã hội cũng như là các cơ quan truyền thông đại chúng đã bày tỏ quan ngại, bức xúc đối với những trò chơi trực tuyến có nội dung không lành mạnh. Tuy nhiên, cũng như Internet, chúng ta không thể cấm.

Để quản lý game trực tuyến, dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, nếu điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng hoạt động ngoài khoảng thời gian từ 08.00 đến 22.00 giờ hàng ngày sẽ bị phạt tới 20 triệu đồng.

Cụ thể, Bộ Thông Tin Truyền thông đã đề xuất mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng nằm trong phạm vi bán kính của các trường tiểu học hoặc trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông dưới 200m; hoặc hoạt động ngoài khoảng thời gian từ 08.00 đến 22.00 giờ hàng ngày; cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng nhưng không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động; Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet không chấm dứt đường truyền thuê bao Internet hoặc đường truyền của Hợp đồng đại lý Internet đối với điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng hoạt động quá giờ quy định theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng sẽ bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng.

Đồng thời, dự thảo quy định phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối hành vi cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh "Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng"; hay biển hiệu "Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng" không có một trong các thông tin: Tên điểm, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, số đăng ký kinh doanh. Hơn nữa, người chơi cũng sẽ bị phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng nếu chơi các trò chơi điện tử chưa được cấp phép hoặc chưa đăng ký theo quy định; không thực hiện đăng ký thông tin cá nhân khi chơi các trò chơi G1; hoặc không chấp hành quy định về quản lý giờ chơi hoặc quy định về thời gian hoạt động của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. Đặc biệt, nếu người chơi có hành vi lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.

Bên cạnh đó, ông Hải cho biết, dù không cấm được game, nhưng có thể hạn chế game xấu, phát triển càng nhiều nội dung tốt. Một mặt, các cơ quan quản lý nên khuyến khích phát triển những trò chơi lành mạnh, nhất là những sản phẩm có nội dung tuyên truyền quảng bá lịch sử. Một mặt, chúng ta rất cần các doanh nghiệp tham gia xây dựng nội dung giải trí kết hợp giáo dục. "Đây là công việc khó khăn bởi có những công ty game lớn nhất nhì Việt Nam đã đầu tư ba bốn chục tỷ đồng để tạo trò chơi giáo dục thuần Việt nhưng kết quả vẫn khiêm tốn", ông Hải chia sẻ.

Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Bá Bình cũng cho biết "Xét về mặt tâm lý học, những người hoạt động tập trung trí não nhiều như các em học sinh rất cần có lúc giải trí để giảm bớt căng thẳng. Game giáo dục là giải pháp tốt giúp vừa giải tỏa được căng thẳng mệt mỏi sau giờ lên lớp, đảm bảo kết quả học tập, vừa thâu nhận thêm các kiến thức ngoài sách vở. Đã nhiều năm mệt mỏi với quá nhiều thông tin tiêu cực về game đen trên mặt báo, các bậc phụ huynh và sư phạm đều rất nóng lòng chờ đợi cái gọi là game giáo dục thuần Việt".

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU

Hải Ninh