Dại gì mà sa thải công chức!

Google News

(Kiến Thức) - "Nếu thủ trưởng có "lỡ" phê nhân viên không làm được việc, cho chuyển công tác hoặc sa thải thì cũng khó cho chính ông ấy vì lúc bình bầu hay lấy phiếu tín nhiệm thì người ta sẽ không bỏ phiếu tốt...

Vẫn cần tăng công chức

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây thì năm 2013, tổng số biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước là 281.714 (tăng 12 biên chế so với năm 2012). Việc tăng biên chế này liệu có mâu thuẫn với chủ trương tinh giản biên chế mà chúng ta đã triển khai từ năm 2007, theo ông?

Tôi cho rằng, việc tăng biên chế này là hoàn toàn bình thường so với nhu cầu của thực tế. Thực ra, con số biên chế đó cũng không phải là lớn đâu trong khi nhu cầu tăng và cần tuyển mới thì vẫn có. Bởi, thứ nhất là để thay thế cho số người về hưu. Thứ hai, hiện nay có nhiều trường hợp biên chế công chức di chuyển ra ngoài làm. Thứ ba, có một số lĩnh vực trước đây mình bỏ sót chưa quản lý hoặc chưa đủ biên chế để quản lý thì nay cần phải tăng thêm để đáp ứng tình hình. Còn nói nó có mâu thuẫn hay không với chủ trương tinh giản biên chế thì tôi cho rằng không.

Tại sao vậy?

Việc tinh giản biên chế này không thể hiểu máy móc là giảm số lượng người, chẳng hạn từ 200.000 xuống còn 150.000. Vấn đề ở chỗ phải giảm đi những biên chế công chức không đáp ứng được công việc hoặc làm việc không hiệu quả. 

Theo ông thì những người làm việc không hiệu quả ấy trong bộ máy hành chính có nhiều không?

Đã có những báo cáo chỉ ra rằng, hiện có khoảng 30% công chức làm tốt, hơn 30% là tạm được còn lại hơn 30% thì "ngồi chơi xơi nước", không làm được việc.

Ông thấy con số ấy có đáng lo không?

Sao lại không? Vì nếu xét trong tổng quỹ lương, hơn 271.000 biên chế công chức chiếm tỷ lệ không lớn đâu. Nhưng nếu 30% trong số đó (tức là hơn 90.000 người) không làm được việc mà vẫn nhận lương đều đều thì rõ ràng nó đã ngốn của ngân sách một số tiền không nhỏ rồi. 

Nghĩa là, lâu nay người ta kêu lương công chức không đủ sống cũng là vì một phần tiền đó đã phải trả cho những người không đáng được nhận ấy?

Cái đó cũng có một phần. Nhưng giải quyết vấn đề tiền lương thì không chỉ có mỗi chuyện đó đâu, song cũng phải thừa nhận rằng nếu như cơ chế của chúng ta thực hiện chặt chẽ hơn thì tiền đó đáng ra để trả cho những người xứng đáng, tạo động lực để họ cống hiến sẽ quý giá hơn nhiều.

  TS Nguyễn Hữu Dũng,  nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội. 

Ức chế lắm, nhưng...

Ông nói rằng tinh giản biên chế nghĩa là phải giảm đi số người làm việc không hiệu quả. Theo ông, việc tinh giản ấy đã thực hiện được chưa?

Trên thực tế thì hầu như chưa giảm được đâu. 

Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Vì nó liên quan đến công tác đánh giá cán bộ, công chức của ta hiện nay đang có vấn đề. Tiêu chí đánh giá không rõ ràng, hoàn toàn nể nang, cảm tính. Tôi thích ông thì tôi đánh giá ông tốt và ngược lại, dù ông có làm được việc nhưng không được lòng tôi, tôi sẽ cho ông không được tín nhiệm ngay. Cơ chế để kiểm soát việc đánh giá ấy cũng không chặt chẽ. 

Thứ nữa là do hiện nay thủ trưởng các cơ quan, đơn vị lại không có toàn quyền quyết định nhân sự là công chức. Nếu thủ trưởng mà có "lỡ" phê nhân viên không làm được việc, cho chuyển công tác hoặc sa thải thì lúc bình bầu hay lấy phiếu tín nhiệm những người không làm được việc khác sẽ không bỏ phiếu tốt cho ông ấy. Thế nên, chả ai dại gì mà đi sa thải công chức cả.

Ông từng là lãnh đạo một viện. Đã bao giờ ông rơi vào trường hợp muốn sa thải nhân viên dưới quyền vì không làm được việc chưa?

Có chứ. Ngày tôi còn đương nhiệm, cơ quan tôi có ít nhất 5 người thuộc dạng không thể làm gì vì năng lực có hạn. Mình cũng muốn xử lý họ lắm nhưng rồi thực quyền không có. Vả lại cũng là để giữ cho cơ quan êm ấm nên... đành phải chấp nhận "sống chung với lũ" như thế.

Tâm lý "giữ cho cơ quan êm ấm", theo ông có phổ biến?

Tôi nghĩ là phổ biến đấy. Vì thực ra, những lãnh đạo cơ quan, đơn vị có nhân viên như thế cũng ức chế lắm nhưng cơ chế của ta chưa cho phép thủ trưởng được dễ dàng sa thải nhân viên. Trên thực tế, khi thi tuyển công chức là đề thi chung, khi họ đỗ rồi thì việc trả lương tính theo đầu người chứ không theo vị trí làm việc và hiệu quả công việc, theo kiểu "sống lâu lên lão làng". Dở là ở chỗ ấy! 

Nhưng chẳng lẽ cứ để nó tồn tại như thế?

Đương nhiên, tạm thời thì vẫn buộc phải chấp nhận điều đó vì để thay đổi thì phải làm nhiều khâu chứ không phải chỉ ở khâu trao quyền cho thủ trưởng đơn vị được. 

Chẳng ai vào công chức chỉ vì lương

Dư luận đang "nóng" lên chuyện ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực phát biểu rằng, để có thể trở thành công chức ở địa phương này phải mất "không dưới 100 triệu đồng". Phải chăng chính điều đó cũng khiến cho bộ máy công chức phình to nhưng không hiệu quả?

Vấn đề nhảy vào công chức mà mất tiền theo kiểu mua chỗ làm việc như vậy thì đúng là có đấy. Nếu vào công chức mà không có lợi ích khác ngoài lương thì chắc chắn phải là những người thừa tiền mới vào đó để tìm cơ hội tiến thân về mặt chính trị hoặc những người năng lực hạn chế nhưng có tiền, chứ người giỏi thì đâu nhất thiết vào công chức chịu cảnh mất tiền như thế. Vậy nên, bộ máy công chức dù có phình ra nhưng không hiệu quả cũng là hệ quả tất yếu thôi.

Theo ông, giải quyết bài toán tinh giản biên chế một cách thực chất, để bộ máy hành chính công phát huy hiệu quả thì cần phải bắt đầu từ đâu?

Phải tiến hành đồng bộ các khâu đổi mới nền công vụ, cải cách hành chính và chính sách tiền lương; đồng thời phải trao thực quyền cho người lãnh đạo, thủ trưởng đơn vị...

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

"Nhiều người cứ thắc mắc là tại sao lương công chức thấp, thăng tiến cũng khó vì "sống lâu lên lão làng" nhưng người ta vẫn lao vào, dù có phải mất cả trăm triệu bạc. Đương nhiên, một phần là do vào công chức rồi nghĩa là sẽ có đất màu mỡ để người ta có thể thu lợi. Một phần nữa là vì cơ chế, chính sách của ta có nhiều ưu đãi về đào tạo. Công chức được đi học nâng cao, thậm chí được ra nước ngoài học. Thế nên người ta lấy đó làm bàn đạp để tiến thân, vì có những người được đào tạo xong rồi thì bỏ Nhà nước ra làm bên ngoài", TS. Nguyễn Hữu Dũng

Vũ Thủy (Thực hiện)