Đằng sau việc 5 hiệu trưởng xin từ chức là gì?

Google News

(Kiến Thức) - "Việc một số hiệu trưởng nhường lại chức vụ cho người khác chắc hẳn phải có lý do chứ không dễ ai từ bỏ "ghế" của mình đâu", TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục chia sẻ.

Tự dưng từ bỏ quyền lợi thì khó lắm
Mới đây, ngành GD&ĐT Hà Nội tổ chức tổng kết năm học 2012 - 2013. Theo đó, lãnh đạo phòng GD&ĐT Hà Đông cho biết, địa phương này đã tham mưu miễn nhiệm 5 hiệu trưởng theo "văn hoá từ chức" xuống làm phó hiệu trưởng và luân chuyển đi nơi khác. Câu chuyện này khiến dư luận quan tâm, có đôi phần sửng sốt. Ông thì thế nào?
Thường thì tôi biết có một số trường hợp xin không nhận chức hiệu trưởng khi được đề bạt, chứ hiếm có người nào từ bỏ chức vụ đó khi đã làm rồi. Còn làm được như thế, tự đánh giá mình để nhường vị trí cho người khác thì tốt quá, đáng hoan nghênh. Thế nhưng phải xem đằng sau đó là gì.
Việc từ chối chức vụ trong ngành ông có hiếm không?
Lẻ tẻ thì cũng có người này người kia xin được từ chức hoặc từ chối chức vụ này kia. Người ta thích làm giáo viên hơn chứ không phải ai cũng ham hố chức vụ đâu, riêng trong ngành giáo dục có đặc thù như thế.
Cụ thể, trong trường hợp này, 5 người xin từ chức đưa ra lý do yếu kém về năng lực quản lý, không quy tụ được quần chúng, để tình trạng mất đoàn kết kéo dài?
Đó đúng là điều quá tốt, cần biểu dương và nhân rộng. Biểu dương cái ý thức cá nhân của từng người đó.
Liệu những người đó có cân nhắc lợi ích mất đi cùng với việc họ xin từ chức không?
Đương nhiên là có chứ. Bây giờ lãnh đạo khác ngày xưa nhiều lắm. Rất nhiều thứ quyền lợi gắn với lãnh đạo chứ không đơn giản đâu. Nhưng theo quan điểm của tôi từ góc độ tâm lý học thì những người này bị áp lực công việc chứ không chỉ đơn giản là việc người ta giác ngộ. Áp lực dẫn đến mỏi mệt, hoặc đang bị sự cạnh tranh giữa các phe phái thế lực khác nhau. Tình hình thế nào đó người ta không chèo chống được nên mới thế. Áp lực, có thể trường đó mất đoàn kết, nát quá rồi, không khắc phục được. Còn bảo một người nào đó tự dưng giác ngộ được khả năng của mình, từ bỏ chức vụ mình đang có thì rất khó. Nhất là thời buổi này.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục. 
"Cơm chúa múa tối ngày"
Ông vừa nói đến việc "giác ngộ" của lãnh đạo thời buổi này nghĩa là sao ạ?
Hiện chúng ta quản lý giáo dục có mấy trạng thái. Một loại là nhà giáo dục thật, muốn đem những cái sáng tạo của mình để làm nhà trường có chất lượng. Người làm quản lý giáo dục phải tạo ra nhân cách của ông thầy và nhân cách của học trò. Còn giáo viên thì chỉ có nhiệm vụ tạo ra nhân cách và tri thức cho học trò thôi. Sản phẩm của cán bộ giáo dục là cái đó, chứ không phải là lợi nhuận. Nhưng bây giờ thì nó lại thành một thứ quan chức giáo dục.
Ông có thể cụ thể hơn? 
Một suất vào biên chế nhà nước của giáo viên là bao nhiêu tiền cô có biết không? Rồi chuyện chạy từ trường nọ vào trường kia. Biết bao nhiêu thứ có thể tạo ra lợi nhuận cho người quản lý. Giáo dục nó cũng có tiêu cực, cũng có cò mồi trong đó, có người chạy và người được chạy. Có người nói với tôi rằng xin vào một trường cấp 3 ở quận Tây Hồ không được, phải bỏ ra 50 triệu đồng để nhận lời hứa là cứ học ở trường khác đi, rồi người ta sẽ đảm bảo chuyển trường về đó. Một ví dụ như thế để thấy từ những cái rất nhỏ cũng có thể đem lại lợi nhuận.
Trở lại câu chuyện vị trí lãnh đạo, rõ ràng cái vị trí hiệu trưởng cũng sẽ kèm theo những lợi nhuận?
Nhiều ít thế nào thì tôi không biết, nhưng chắc chắn tiêu cực trong các trường là có. Vì thế nên tôi mới đặt vấn đề về việc người dám từ bỏ chức vụ đó rằng chắc hẳn vì tiêu cực nhũng nhiễu quá nên người ta mới không chèo chống được, buộc phải từ bỏ, chứ không dễ gì người ta từ bỏ miếng mồi béo bở đâu. Hoặc có người trọng danh dự hơn thì họ từ bỏ. Chứ đa phần là họ mặc kệ ấy mà, họ chẳng quan tâm đâu, họ chỉ quan tâm đến lợi ích của họ thôi. "Cơm chúa múa tối ngày" thì lo gì. Vì thế, tôi mới thiên về nhận định họ chịu các áp lực khác.
Còn lâu họ mới tự giác
Theo ông thì vai trò của người thầy đóng góp bao nhiêu phần trăm vào chất lượng giáo dục?
Quyết định tất cả. Chỉ có nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo thì chất lượng giáo dục mới có biến chuyển. Chứ giờ thay đổi nâng cấp trường lớp, thay đổi rất nhiều thứ mà không thay đổi ông thầy thì coi như bằng không, tôi đảm bảo như vậy. Cô mà có con thì cô cũng sẽ hiểu. Nếu nó gặp ông thầy giỏi luôn khích lệ, quan tâm thì nó sẽ tự phát triển rất ghê. Còn gặp một ông thầy hay bắt nạt quát tháo thì nó sẽ sợ co rúm lại. Tôi đảm bảo là sẽ hỏng một con người chứ không phải đùa đâu.
Vậy là trong chính giáo viên cũng có nhiều "loại" thầy?
Giáo viên có nhiều loại. Loại một là những người rất yêu nghề, làm việc vì lý tưởng nghề nghiệp, khích lệ học trò, là tấm gương của học trò. Số này hiếm. Thứ nữa là những người có tài năng nhưng người ta làm việc đối phó, làm việc có điều kiện, nhưng chỉ làm với một chừng mực nhất định chứ không đổ công đổ sức. Còn lại phần lớn bây giờ là những người ta chăm chỉ cố gắng nhưng năng lực hạn chế dẫn đến kết quả cũng hạn chế. Đó lại là số đông, chiếm đến 60 - 70%. Thứ nữa là loại năng lực không có, ý thức kém. Loại đó thì không kể. Bởi thế mà phải đào tạo lại giáo viên.
Đào tạo lại bằng cách nâng cao năng lực và tự giác. Bất cứ ai thấy năng lực yếu kém cũng sẽ tự động xin nghỉ. Đổi mới giáo dục của ta đến khi nào thì làm nổi điều đó?
Còn lâu! Nghề sư phạm cũng có năng khiếu của nó. Nhưng chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ thì phải được đào tạo bài bản. Nhược điểm của giáo viên bây giờ là không chịu tự mày mò sáng tạo, không đam mê. Mắc cái bệnh nghề nghiệp, coi mình lúc nào cũng nhất. Nhiều giáo viên dốt nhưng không coi ai ra gì cả, gặp phụ huynh thì cứ mắng người ta xơi xơi, không coi học sinh và phụ huynh là khách hàng của mình. 
Vậy rõ ràng câu chuyện từ chức của 5 hiệu trưởng là điểm sáng rõ nhất trong bức tranh chưa sáng lắm?
Theo quan điểm của tôi, nhiều nhà giáo vẫn trọng danh dự, có lương tâm, có phẩm chất nghề nghiệp để từ bỏ vị trí khi thấy không còn phù hợp. Nhưng để hiểu rõ hơn những tâm tư nguyện vọng thì tôi nghĩ nên hỏi trực tiếp một trong số những người đó xem tâm tư của họ thế nào. Bản thân tôi cũng thấy rất tò mò về động lực để họ từ chức. Nếu đó là một gương sáng thực sự thì cũng nói cho đến nơi đến chốn.
Ông cũng là một hiệu trưởng, ông thấy việc bổ nhiệm và sử dụng cán bộ trong giáo dục hiện thế nào?
Cách sử dụng cán bộ của ta hiện nay nhiều khi không bằng tài năng mà bằng quan hệ, bằng tiền tệ, bằng hậu duệ hay gì gì đó.
Ông nói thế mà không sợ ạ?
Không, nhiều người nói thế chứ đâu phải mình tôi nói. Báo chí cũng nói mãi rồi. 
Xin cảm ơn ông!
Nếu chỉ trang bị tri thức không thì hiện nay người ta có rất nhiều cách để tiếp cận, trang bị. Nhưng chưa có nước nào tuyên bố là bỏ trường học cả. Trẻ con cần có môi trường để phát triển, vai trò của người thầy là khích lệ, dẫn dắt, chỉ trừ một số gia đình bố mẹ quan tâm đến các phương pháp giáo dục để tìm ra phương pháp tốt nhất cho con. Bởi thế mà trong nhà trường, người lãnh đạo nhà trường phải là người tạo ra nhân cách của chính người thầy và cho cả học sinh.
Tô Hội (Thực hiện)