Tránh bổ nhiệm trong phòng kín
Ông đánh giá như thế nào về việc thi tuyển chức danh hiệu trưởng lần này?
Đây là lần đầu tiên TP Hải Phòng đã công khai tổ chức thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo một đơn vị thuộc diện Thành ủy quản lý. Việc này để đổi mới công tác cán bộ, thực hiện công khai, minh bạch việc bổ nhiệm cán bộ, tránh tình trạng bổ nhiệm trong phòng kín như trước đây chúng ta vẫn làm. Thi tuyển rõ ràng là sẽ chọn được người có thực tài để làm việc. Tôi nghĩ nên tổ chức thi tuyển ở khắp các trường trong cả nước.
Là người đầu tiên trúng tuyển hiệu trưởng bằng hình thức thi tuyển, ông cảm thấy thế nào?
Tôi là người đầu tiên trúng tuyển bằng phương pháp thi, đã trải qua các nội dung thi tuyển và là người có điểm cao nhất. Tôi tự hào, vinh dự nhưng cũng thấy áp lực bởi trách nhiệm nặng nề trong việc thực thi nhiệm vụ của mình sau này. Tôi biết người ta sẽ để ý, sẽ nhìn xem tôi làm như thế nào. Lãnh đạo, giảng viên, sinh viên đều kỳ vọng vào người đầu tiên trúng tuyển hiệu trưởng thì sẽ ra sao?
Thi tuyển là để chọn ra được người tài, chắc hẳn cách này cũng sẽ áp dụng được ở các lĩnh vực khác, địa phương khác, nếu lãnh đạo dám làm, muốn làm?
Đúng thế, ở các ngành khác, lĩnh vực khác, nếu các điều kiện cho phép thì có thể nghiên cứu áp dụng hình thức thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo.
Thực tế, nhiều người học rất giỏi nhưng khi va vấp vào thực tế thì lại không làm được việc, làm rất kém. Ông đã hoàn thành các bài thi với điểm rất cao, nó có đồng nghĩa với việc ông cũng sẽ điều hành quản lý đơn vị mới sẽ cao như thế? Liệu những lý thuyết trong bài thi của ông có áp dụng được vào thực tế?
Theo tôi, một người có kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, kiến thức về quản lý tốt sẽ là điều kiện cần để người đó quản lý và điều hành đơn vị tốt. Ngoài ra, còn rất nhiều tiêu chí khác rất khó lượng hóa được qua hình thức thi tuyển như phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống... nên nếu người đó không có thêm các yếu tố này thì người đó không thể điều hành, quản lý đơn vị tốt được. Đúng là lý thuyết nhiều, nhưng áp dụng thế nào, có làm hay không mới là điều đáng bàn. Tôi sẽ cố gắng để làm hết sức mình, tôi chỉ biết nói đến thế.
Theo ông thì có bí quyết chung nào để có thể đỗ được trong các kỳ thi tuyển lãnh đạo?
Đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của kỳ thi là việc không khó, hoàn thành bài thi làm sao để thể hiện tốt nhất khả năng cũng như kiến thức của mình là mấu chốt. Thế nhưng, nếu bảo có bí quyết nào để chia sẻ thì tôi nghĩ không có bí quyết nào cả, mình cứ cố gắng hết mình là sẽ làm được thôi. Làm lãnh đạo nghĩa là phải dấn thân, cực nhọc, nghĩ và lo cho người khác, thế nên trúng tuyển là một chuyện, làm như thế nào sau đó mới là quan trọng.
|
PGS.TS Phạm Văn Cương, người đầu tiên trúng tuyển chức danh Hiệu trưởng trường Đại học Hải Phòng bằng hình thức thi tuyển. |
Tổ chức nghiêm thì hãy thi
Việc thi tuyển hiệu trưởng rõ ràng là một đột phá trong tuyển dụng lãnh đạo hiện nay. Theo ông, nếu được triển khai rộng, nó có khắc phục được tình trạng chạy chức chạy quyền hiện nay không?
Tôi nghĩ, cùng với một số giải pháp khác nữa thì sẽ làm được điều đó. Quan trọng nhất là tạo niềm tin cho cán bộ, nhân dân trong công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo. Nhưng việc thi tuyển cũng phải được tổ chức tốt, công khai, minh bạch.
Nếu nó khắc phục được tình trạng chạy chức chạy quyền hiện nay, liệu các vị lãnh đạo nói chung có ngại, không muốn áp dụng hình thức thi này? Vì rõ ràng nếu thi công bằng, nghiêm minh, tiêu cực giảm, đồng nghĩa bổng lộc, tham nhũng cũng ít đi?
Riêng bản thân tôi nhận thấy đây là hình thức tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo tốt. Tôi không thấy ngại khi áp dụng hình thức này vào việc tuyển chọn để bổ nhiệm các cán bộ lãnh đạo các đơn vị dưới quyền mình. Còn người khác như thế nào thì chắc phải hỏi trực tiếp họ.
Đến giờ ông đã là hiệu trưởng, ông có tính đến thi tuyển các chức danh lãnh đạo trong trường mình?
Tôi sẽ nghiên cứu và sẽ áp dụng hình thức thi tuyển này trong trường Đại học Hải Phòng, nếu được Đảng ủy và lãnh đạo cấp trên của tôi cho phép.
Giả sử có người bảo ông trúng tuyển chắc gì đã bằng thực tài, giờ cái gì chả mua được bằng tiền hoặc rất nhiều tiền... ông sẽ nói gì?
Tôi nghĩ tổ chức thi tuyển là phải có những người có trình độ, kinh nghiệm và đạo đức. Các bộ phận, cá nhân cùng tham gia giám sát lẫn nhau, đồng thời chịu sự giám sát vô hình của dư luận. Nếu tổ chức thi tuyển nghiêm túc, đúng quy chế thì sẽ chọn được người thực tài để bổ nhiệm. Còn tất nhiên nếu thi tuyển mà không nghiêm túc thì sẽ không chọn được người thực tài và như vậy cũng không nên tổ chức thi nữa.
Ông có tự nhận mình là người giỏi nhất trong những người tham dự kỳ thi vừa qua?
Không, tôi không tự nhận như thế. Tôi chỉ là người đạt điểm cao nhất và trúng tuyển.
Làm đúng là sẽ chọn được người tài
Dư luận rất kỳ vọng vào việc có được người thực tài làm trong bộ máy công quyền, ông đánh giá thế nào về thực trạng sử dụng và bổ nhiệm lãnh đạo hiện nay?
Tất nhiên, mọi người dân ai chả kỳ vọng vào việc có được người thực tài làm trong bộ máy công quyền. Nhưng trong quá trình bổ nhiệm cán bộ có thể có những trường hợp cán bộ được bổ nhiệm chưa được như kỳ vọng của người dân. Cái này do nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ trách nhiệm chính là của những người lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ hiện nay.
Phải chăng tham nhũng tăng,"một bộ phận cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất", là bởi ta đã sử dụng và bổ nhiệm không đúng?
Tôi nghĩ đúng vậy. Thế mới thấy công tác cán bộ quan trọng thế nào. Ví dụ, chính sách thế nào, quy định ra sao, thì mấu chốt vẫn cứ là con người. Người thực hiện mà không nghiêm, làm không tốt, thì không một chính sách nào, dù tốt đến mấy có thể cứu vãn được.
Để làm một lãnh đạo giỏi, theo ông thì điều gì là quan trọng nhất?
Tôi nghĩ đến chữ "tâm" và chữ "tầm".
Đặt giả sử ông không làm tốt nhiệm vụ, không được tín nhiệm tại đơn vị mới, ông có dũng cảm dám từ chức không?
Tôi sẵn sàng chứ. Tôi sẽ trở về công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học nếu việc lãnh đạo của tôi không có hiệu quả, không thu phục được lòng người, không được cán bộ công nhân viên tín nhiệm.
Ở góc độ là một lãnh đạo, theo ông thì phải làm thế nào để có đội ngũ cán bộ chất lượng cao, tận tâm, không làm việc kiểu đối phó?
Đó là cả một nghệ thuật. Đào tạo, sử dụng, đãi ngộ, đánh giá, bổ nhiệm... Tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là không dựa trên bằng cấp mà phải dựa trên thực lực. Quá coi trọng bằng cấp sẽ khó chọn được người làm có thực tài, người ta sẽ lại đua nhau làm sao cho có được càng nhiều bằng càng tốt.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Với điểm số cao nhất, PGS.TS Phạm Văn Cương đã trúng tuyển chức danh Hiệu trưởng trường Đại học Hải Phòng. Cùng thi với PGS.TS Phạm Văn Cương còn có 3 ứng viên khác đều là Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hải Phòng. Các ứng viên đã tham gia 3 nội dung thi gồm xây dựng đề án (chấm theo hình thức bỏ phiếu kín), bảo vệ đề án công khai và sát hạch ngoại ngữ. Việc sát hạch ngoại ngữ do đơn vị độc lập tiến hành.
Tô Hội (Thực hiện)