Hai kỷ lục vô tiền khoáng hậu

Google News

(Kiến Thức) - Lần đầu tiên một quy định pháp luật được bãi bỏ trong thời gian nhanh nhất (12 ngày) và lần đầu tiên một quy định pháp luật lại quan liêu và xa rời thực tế đến thế.

Việc Bộ GD-ĐT, chiều 16/7/2013, ban hành thông tư số 28 trong đó bãi bỏ diện ưu tiên cộng 2 điểm thi đại học cho mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, đã phần nào làm hạ nhiệt công luận đang bức xúc về “quy định hết sức không thực tiễn” này trong những ngày qua.

Động thái này của một cơ quan Bộ đã tạo nên hai kỷ lục vô tiền khoáng hậu: Lần đầu tiên một quy định pháp luật được bãi bỏ trong thời gian nhanh nhất (12 ngày) và lần đầu tiên một quy định pháp luật lại quan liêu và xa rời thực tế đến thế: Mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945... nếu còn sống thì cũng đã ở tuổi 80-90 rồi và ở tuổi này sống còn khó nói chi đến việc thi đại học?  

Điều hài hước là, trước phản ứng của dư luận về “quy định trên trời này” một vị thứ trưởng Bộ GD-ĐT còn vô tư bao biện rằng: rằng việc bổ sung mẹ Việt Nam Anh hùng vào diện ưu tiên là phù hợp với quy định của Chính phủ và để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người có công khi tham gia tuyển sinh cao đẳng, đại học, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần trách nhiệm của xã hội đối với những người có công với nước…

 

Ưu tiên cộng 2 điểm thi đại học cho mẹ Việt Nam anh hùng là quyết định xa rời thực tế.

Động thái bãi bỏ kịp thời “một quy định pháp luật không thực tế” của Bộ GD-ĐT cần được đánh giá xứng đáng và nhân rộng vì nó thể hiện tinh thần cầu thị nhanh nhạy khi tiếp nhận những phản hồi từ thực tiễn đời sống đối với việc ban hành và thực thi văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên vấn đề nổi cộm cần phải xử lý sau động thái nói trên là: “một quy định pháp luật trời ơi” như thế sao vẫn tham mưu và vẫn được luật hóa để đưa vào thực tiễn đời sống? Phải chăng những quy định pháp luật không thực tế này là do trình độ yếu kém của đội ngũ tham mưu, do sự quan liêu của cán bộ quản lý hay do quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta còn nhiều lỏng lẻo…

Chưa bao giờ mà việc ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật lại bị người dân bức xúc như trong những năm gần đây như “ngực lép” không được đi xe gắn máy, “xe chính chủ” hay “phải bán thịt trong vòng 8 tiếng sau khi giết mổ”... Điều đó phải chăng công tác ban hành văn bản pháp luật của chúng ta mà cái gốc của nó chính là công tác tham mưu đang có vấn đề? Ông bà ta vẫn thường nói “thần thiêng nhờ bộ hạ”. Một cán bộ quản lý sẽ khó mà điều hành quản lý một cơ quan, xí nghiệp, địa phương… nếu thiếu những cán bộ tham mưu mẫn cán, tinh thông nghiệp vụ và giàu tính thực tiễn.

Việc ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật không bám sát nhu cầu thực tiễn đời sống thời gian qua đã gây không ít khó khăn cho nền kinh tế xã hội cũng như giảm niềm tin của nhân dân vào các cơ quan công quyền. Phải khắc phục thực trạng đang gây bức xúc công luận này mà một trong những nguyên do cơ bản của nó phải chăng chính là sự bất cập của công tác tham mưu?
Ngọc Dũng