Theo kết luận mới đây của UBND TP.HCM, lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích của thành phố là Công ty Chiếu sáng công cộng, Công ty Thoát nước đô thị, Công ty Công trình giao thông và Công ty Công viên cây xanh thành phố đã nhận lương từ 584 triệu đến 2,6 tỷ đồng/năm.
Cụ thể, Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM có mức lương đến 2,6 tỷ đồng/năm, gấp hơn 10 lần lương Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và gấp hơn 41 lần so với lương của người lao động mùa vụ.
Một số vị lãnh đạo Công ty nói trên đã lên tiếng “trần tình” về khoản lương cao bất thường này. Cụ thể, ông Trần Trọng Huệ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Chiếu sáng công cộng, khẳng định: Công ty là doanh nghiệp không nhận lương từ ngân sách nên thu nhập của người lao động phụ thuộc vào kết quả kinh doanh. Tổng quỹ tiền lương của công ty không đá đụng một đồng nào từ ngân sách.
Ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thoát nước đô thị TP (UDC), cho biết, mức lương mà ông nhận được (2,6 tỷ đồng/năm - PV) trong năm 2012 vì trong năm này có một khoản doanh thu tăng đột biến từ sự nỗ lực của đơn vị.
Ông Trần Thiên Hà, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh thì cho hay, sau khi có kết luận của UBND TP.HCM, ông đã nộp lại khoảng 200 triệu đồng là số tiền được cho là khoản tiền lương vượt quy định.
Cách giải thích của các vị lãnh đạo lương “khủng” dường như chưa thực sự thuyết phục được dư luận. Trao đổi với PV báo Kiến Thức, đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cũng cho rằng: “Ngân sách Nhà nước bỏ ra cho các doanh nghiệp công ích, đó là tiền thuế của dân. Các doanh nghiệp này thao túng, móc túi của người lao động để trả cho một số chức vụ quản lý của công ty, điều đó không chấp nhận được”.
|
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
|
Theo đó, ông Tiến phân tích: “Quan điểm của tôi cho rằng, lương phản ánh giá trị sức lao động. Lương của một số nhà quản lý như Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc… một số công ty mà tới hơn 200 triệu một tháng là chuyện không bình thường. Không bình thường ở chỗ, giá trị sức lao động của họ có đến mức như thế không. Trong khi người lao động chân tay rất vất vả mệt nhọc mà lương trung bình chỉ 4-5 triệu đồng, thậm chí có những người nhận lương chỉ 2-3 triệu đồng.
Tôi phải nói thẳng, đây là hành động móc túi sức người lao động, móc túi công nhân trả cho người quản lý doanh nghiệp. Làm sao mà lương lãnh đạo tới 200 triệu đồng, trong khi lương Thủ tướng được Bộ trưởng Vũ Đức Đam mới công bố chỉ khoảng hơn 17 triệu đồng một tháng”.
“Bản thân tôi là đại biểu Quốc hội hai nhiệm kỳ, lương chuyên viên cao cấp tột bậc - bậc 6 là 8,0 cộng lương phó chủ nhiệm là 1,3. Tổng 9,3, nhân hệ số 1.150 nghìn, khoảng trên dưới 10 triệu đồng. Lương Bộ trưởng cũng chỉ khoảng 15 triệu đồng. Thế thì tại sao Tổng Giám đốc doanh nghiệp công ích mà lương lại tới hơn 2 tỷ đồng một năm, chia ra là hơn 200 triệu một tháng” - ông Lê Như Tiến đặt vấn đề.
Cho rằng lương cao như thế là bất thường, không phản ánh đúng giá trị sức lao động, ông Tiến cũng phân tích nguyên nhân chính là lâu nay có sự buông lỏng khâu quản lý của Nhà nước về tiền lương, thưởng, phụ cấp… để các công ty, các tập đoàn lũng đoạn. Họ tùy tiện, tự cho họ quyền được trả lương cao chót vót, tận trên trời còn người lao động thì hưởng lương... dưới mặt đất.
Tổng thu nhập của một doanh nghiệp chỉ có một số lượng nhất định, nếu số lương rơi vào túi của người quản lý, lãnh đạo nhiều thì số lương người lao động, người công nhân được nhận ít hơn. Nếu lương người lãnh đạo chỉ hơn người lao động 5-10 lần thì người lao động được nhận lương nhiều hơn, nếu gấp vài chục lần thì người lao động nhận được càng ít. Doanh nghiệp phải biết hài hòa lợi ích của mình và người lao động thì sẽ tạo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Giải thích như các vị lãnh đạo nói trên, là “quỹ tiền lương của công ty không đá đụng một đồng nào từ ngân sách”, theo ông Tiến là “không thể nói như vậy được”.
“Nếu các doanh nghiệp tư nhân thì khác, nhưng đây là doanh nghiệp Nhà nước, tất cả các đầu từ ban đầu: bất động sản, trang thiết bị, vốn… đều của Nhà nước giao cho. Không thể nói của chúng tôi làm ra được, kể cả doanh nghiệp kiếm được cũng phải trả hao phí, hoàn trả chi phí ban đầu cho nhà nước”, ông Tiến khẳng định.
Đại biểu Lê Như Tiến cho rằng, theo quy định mới nhất của Nhà nước, mức trần tối đa để trả lương cho lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước là 36 triệu đồng/tháng, nếu doanh nghiệp nào làm ăn có hiệu quả thì được phép chi thêm 50% lương của mức trần tối đa. Trả lương vượt cao tới 200 triệu một tháng là vi phạm pháp luật. Số tiền chi trả đó là không chính đáng, phải thu hồi, đồng thời, có thể phải xem xét trách nhiệm hình sự.
“Phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, không để các doanh nghiệp tự tung tự tác, dùng tiền của Nhà nước, chính là tiền của nhân dân để bỏ vào túi riêng của mình”, đại biểu Tiến nhấn mạnh.
Phạm Thủy