Phụ huynh "tá hỏa" vì sách sai… ngớ ngẩn
Bước vào năm học mới, nhiều phụ huynh lại bày tỏ nỗi lo khi họ phát hiện trên sách giáo khoa của con em mình mắc những lỗi sai khó chấp nhận.
Mới đây, cuốn sách "Bài tập tiếng Việt nâng cao" lớp 2 (tập 1) bị phát hiện có lỗi sai “kỳ quặc” ngay phần
Lời nói đầu. Cụ thể, đây là sách tiếng Việt nhưng trong phần
Lời nói đầu, lại giới thiệu: “Bộ sách Bài tập tiếng Việt nâng cao là tài liệu dành cho học sinh cấp tiểu học, nhằm giúp học sinh học tốt môn Toán. Giáo viên tiểu học và các bậc phụ huynh cũng có thể sử dụng tài liệu này để giúp con em mình học tốt môn Toán.
Bộ sách "Bài tập tiếng Việt nâng cao" của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm gồm 5 tập, tương ứng với 5 lớp của cấp tiểu học. Mỗi tập là một hệ thống bài tập Toán được biên soạn theo một cấu trúc chung dưới hình thức trắc nghiệm để học sinh luyện tập”.
|
Bìa cuốn sách Bài tập tiếng Việt nâng cao lớp 2 (tập 1) của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. Ảnh: VOV |
|
Lỗi sai trong phần "Lời nói đầu" của cuốn sách. Ảnh: VOV |
Trước những phản hồi của nhiều phụ huynh về cách làm việc cẩu thả, cho xuất bản những cuốn sách mắc lỗi sai “ngớ ngẩn” này, PGS.TS Đinh Ngọc Bảo, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm đã lên tiếng giải thích trên một tờ báo.
Ông Bảo trần tình: “Bộ sách đó lúc đầu họ đưa cả hai môn Văn - Toán vào cùng một cuốn, sau đó họ tách ra nhưng Lời nói đầu lại không sửa".
"Bản in 2010 đã sửa lại lỗi này. Chắc các cuốn sách bị sai là còn sót lại của năm 2009. Tôi cho rằng số sách này không nhiều. Lần trước chúng tôi đã yêu cầu đối tác phải thu hồi tất cả những cuốn sách có sai sót này, nhưng không hiểu sao đến nay vẫn còn bán ra thị trường”.
Vị Giám đốc Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm cho biết thêm là số sách in sai này sẽ sớm được thu hồi.
Tiếp sau đó ít hôm, hàng trăm phụ huynh và giáo viên ở tỉnh Bình Định cũng phát hiện sách của học sinh bị in lỗi. Cụ thể, có 16 trang quyển "Thực hành Tiếng Việt - Toán" lớp 5 tập 1 bị in sai nội dung so với sách giáo khoa Tiếng Việt - Toán lớp 5.
Quyển "Thực hành Tiếng Việt - Toán" lớp 5 tập 1 ngoài bìa ghi Nhà xuất bản Giáo dục. Phần in không chính xác từ trang 33 đến 48. Cụ thể, từ trang 33 đến 48 của vở bài tập Khoa học lớp 5 được bê nguyên xi sang quyển "Thực hành Tiếng Việt - Toán" lớp 5 tập 1. Khi phát hiện lỗi này, phụ huynh và giáo viên đã tìm đến các cửa hàng, đại lý để phản ánh và đổi sách.
Trước tình huống này, ông Phạm Đình Thuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị Bình Định cho biết: Đây không phải là số sách do Công ty phát hành mà do các đại lý, cửa hàng sách nhập sách trực tiếp từ một công ty in ở Huế. Từ ngày 3/9, Công ty đã chỉ đạo các cửa hàng, đại lý thu đổi lại cho khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Lành, Giám đốc Công ty Cổ phần In và Dịch vụ Thừa Thiên - Huế thừa nhận sai sót này và đã chỉ đạo thu hồi lại toàn bộ số sách bị in sai. Ngoài ra, Công ty cũng đã tiến hành kiểm điểm và phạt nặng những cá nhân để xảy ra sai sót trên.
Hỏng từ cách làm
GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn (giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội, nguyên Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia) khẳng định với PV Kiến Thức: “Sai thì phải bỏ thôi, nhưng vấn đề là hỏng từ cách làm. Về nguyên tắc, Nhà nước phải quản nội dung sách phổ thông sẽ dạy cái gì chứ không được tùy tiện, sao chép rồi khốn khổ học sinh. Như ở nước ngoài, ở các hiệu sách hầu như không bán sách phổ thông nhưng ở nước ta thì… tràn ngập”.
|
GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn - Giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội, nguyên Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia. |
Theo GS. Nguyễn Xuân Hãn, ở nhiều nước, đặc biệt là những nước giàu có, học sinh được cung cấp miễn phí SGK chuẩn mực và chất lượng.
Trong khi đó, Việt Nam còn nghèo mà người dân năm nào cũng phải bỏ hàng trăm triệu USD mua sách học thiếu chuẩn mực cho con. Cơ quan có trách nhiệm thì không thấy bàn đến việc làm sao chương trình và SGK chuẩn mực để ổn định giáo dục, mà năm nào họ cũng bàn chuyện giảm tải, giảm sai, tăng giá sách hay sửa luật giáo dục để tăng lượng in ấn và bán được nhiều sách...
“Chuẩn kiến thức rất quan trọng, nó được ví như cái thước tre mà người nông dân sử dụng để đo đạc khi xây nhà. Bạn thử hình dung việc xây một ngôi nhà mà không có thước tre thì nó méo mó lệch lạc như thế nào", ông ví von.
GS. Nguyễn Xuân Hãn cũng cho biết: "Trên thế giới tồn tại một chuẩn mực chung chương trình giáo dục cấp quốc tế, đặc biệt là giáo phổ thông với cùng một trình độ để học sinh từ nước này sang nước khác học được, sự khác nhau về chương trình nếu có cũng dễ dàng giải quyết được."
Tiểu Phong