Việc tất cả các bộ và cơ quan ngang bộ (gọi tắt là bộ) trong Chính phủ nước ta đều có số lượng cấp phó như thứ trưởng, phó chủ nhiệm, phó thống đốc, phó Chánh thanh tra…(gọi tắt là thứ trưởng) vượt trần quy định, mà báo chí đề cập mấy ngày qua, đang thu hút sự quan tâm của công luận.
Tại kỳ họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ quốc hội ngày 20/9/2013, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Quốc hội Ksor Phước đã đặt vấn đề các bộ trong Chính phủ hiện có số lượng thứ trưởng vượt quy định. Đồng thời ông cũng đề nghị làm rõ vai trò của Bộ Nội vụ trong vấn đề này với trách nhiệm là cơ quan “gác cổng cho Chính phủ”.
|
Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Theo ý kiến của ông Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội, mọi người mới quay sang đếm số thứ trưởng ở các bộ và thấy rằng tất cả đều đã vượt trần.
Đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính có 9 thứ trưởng; 5 bộ có 7 thứ trưởng gồm: Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ; 9 bộ có 6 thứ trưởng gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước VN; 7 bộ có 5 thứ trưởng gồm: Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục - đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Nghị định số 36/2012/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18/4/2012 về việc “Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ” đã quy định rõ: “số lượng thứ trưởng ở mỗi bộ không quá 4 người. Đối với bộ quản lý nhà nước nhiều ngành, lĩnh vực lớn, quan trọng, phức tạp, số lượng thứ trưởng có thể nhiều hơn bốn người do Thủ tướng Chính phủ quyết định”.
Có ý kiến rằng do tất cả các bộ quản lý “nhiều ngành, lĩnh vực lớn, quan trọng, phức tạp” (cũng theo Nghị định 36) để biện hộ cho số lượng thứ trưởng vượt trần. Nếu thế thì việc quy định “số lượng thứ trưởng ở mỗi bộ không quá bốn người” của Nghị định 36 cần phải sửa đổi?
Về vấn đề này, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị cần phải rà soát và xây dựng bộ khung chuẩn về cơ cấu, tổ chức, bộ máy của các cơ quan, đơn vị. “Nếu ông nào làm sai quy định phải xử lý, còn nếu quy định chưa phù hợp cũng phải xem lại”, ông nhấn mạnh.
Ngọc Dũng