Theo TS Trần Đình Bá thì đã đến lúc phải thay thế toàn bộ hệ thống đường sắt tại Việt Nam.
Đường sắt "băng băng như rùa"
Ông vừa đưa ra lời thách đố 50 triệu USD với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông về "đường sắt đồ cổ"?
Tôi làm thế là thể hiện quan điểm phản đối dự án nâng cấp đường sắt khổ 1m để hành trình Bắc - Nam rút xuống còn 21 - 23 giờ (nay ông Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông lại thay lời là 24-25 tiếng). Đây là một sai lầm nghiêm trọng và chắc chắn là nó sẽ không phát huy tác dụng. Đến nay, loại đường sắt khổ hẹp 1m và 1,067m đã trở thành thứ đồ cổ "thời tiền sử" chỉ còn sót lại ở một hai nước. Một thứ rác công nghệ phải thay thế mà ta lại tính đến việc đầu tư hàng tỷ đô la để nâng cấp là điều không thể chấp nhận.
Cụ thể lời thách đố đó như thế nào thưa ông?
Tôi thách đấu với ông Nguyễn Ngọc Đông 2 điều: Ông Đông ngồi lên tàu chạy thực nghiệm 120km/giờ để có tốc độ trung bình 80 - 90 km/giờ để hành trình Bắc Nam đạt 23 - 24 giờ. Nếu thành công, tôi sẽ coi ông Đông là người anh hùng và trả 50 triệu USD. Ngược lại, nếu ông Đông không dám thử nghiệm, để xảy ra lật tàu chết người thì ông Đông phải trả cho tôi 50 triệu USD và phải chịu trách nhiệm về sáng kiến nâng cấp đường sắt khổ 1m hiện nay.
Căn cứ vào đâu để ông đưa ra lời thách đấu?
"Nói có sách, mách có sổ", phải căn cứ vào các luận cứ, luận chứng khoa học để tôi biết được sự sai lầm nghiêm trọng của dự án này. Lịch sử đường sắt có từ thế kỷ XIX lúc đó khổ chỉ là 760mm, 1m và 1,067m nên gọi là "đường sắt thời tiền sử". Qua 3 thế kỷ, thế giới đã liên tục cải tiến nâng cấp mở rộng khổ đường tạo momen kháng lật để tăng tốc. Nay đường sắt 1,435m chiếm khoảng 65%, khổ 1,520 và 1,620m chiếm khoảng 32%. Loại đường sắt khổ hẹp 760mm, 1m và 1,067m là kiểu đường sắt "thời tiền sử" hiện chỉ còn sót lại khoảng 3% chủ yếu ở Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam.
Vậy theo quan điểm của ông thì đường sắt của ta hiện nay chỉ có thể thay thế chứ không thể nâng cấp?
Đường sắt nước ta chỉ 1m nên rất dễ gây lật, mà chạy "băng băng như rùa". Tốc độ trung bình chỉ 45 - 50km/h, gây ra rất nhiều vụ tai nạn kinh hoàng điển hình là vụ Bàu Cá - Đồng Nai (1982) làm chết hơn 200 người, bị thương hàng trăm người khác, toàn bộ tổ lái thiệt mạng. Vậy mà Cục Đường sắt Việt Nam lại đam mê nghiên cứu sâu đường sắt đồ cổ. Đường sắt khổ 1m là loại đường tốc độ trung bình không vượt nổi 45 - 50 km/h hành trình Bắc Nam, không thể có 12 - 15 tiếng và cũng sẽ không thể có 21 - 23 tiếng. Tôi đã khuyên nhưng không thành, chỉ thách đấu may ra có tác dụng.
|
Hiện nay, hệ thống đường sắt 1m vẫn xen kẹt với sinh hoạt của người dân trên nhiều tỉnh, thành. |
Làm khoa học mà ngồi nhìn thảm họa là trái đạo lý
Nhưng rõ ràng Bộ GTVT cũng phải có cơ sở khoa học cho việc nâng cấp đường sắt khổ 1m để rút ngắn hành trình Bắc - Nam xuống còn 21 - 23 giờ?
Câu hỏi này nhà báo làm khó tôi quá đấy nhé! Phải gọi trực tiếp Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông mới biết chứ. Theo tôi, do năng lực nhận thức chuyên môn nghiệp vụ về đường sắt của các tiến sĩ nước ta còn ít quá. Họ là cơ quan quản lý nhà nước về an toàn đường sắt mà chưa phân biệt được các loại đường như đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc, siêu tốc...
Nếu theo quan điểm của ông, đường sắt khổ hẹp 1m là rác công nghệ phải thay thế, thì tại sao Bộ GTVT không tính đến chuyện thay? Việc cải tiến như vậy thì họ được lợi gì? Nếu không làm được thì ắt hẳn chính họ cũng bị mất uy tín chứ?
Đường sắt khổ hẹp 1m được thế giới coi là "đồ cổ" phải loại bỏ. Trung Quốc chỉ giữ lại 1 đoạn ngắn từ Hà Khẩu đi Côn Minh làm "bảo tàng đường sắt đồ cổ". Việt Nam "sang quá", vẫn còn tới 3.200km. Đó là sai lầm của Cục Đường sắt Việt Nam vì họ bảo thủ quá. Nếu lần này tôi khuyên không thành thì sẽ đề nghị Chính phủ và Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng giải thể Cục Đường sắt Việt Nam, đổi tên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thành Tổng Công ty Bảo tàng Đường sắt Việt Nam và chuyển sang "Cục Bảo tồn Bảo tàng" trực thuộc Bộ Văn hóa để khai thác "đường sắt hoài cổ" trong du lịch về nguồn để đảm bảo an toàn tính mạng nhân dân.
Trong "vụ cược" này, ông tự tin mình sẽ chiến thắng bao nhiêu phần trăm?
Với các nhà khoa học khi đã vì lợi ích chung thì chuyện thắng - thua không phải là đồng tiền mà là danh dự khoa học, chân lý khoa học để có thể cảnh báo ngăn chặn những tổn thất về kinh tế - xã hội, tính mạng con người cho cộng đồng. Làm khoa học mà ngồi nhìn thảm họa lật tàu, chết người là trái đạo lý.
|
TS Trần Đình Bá, Hội Kinh tế và Vận tải Đường sắt Việt Nam nói về lời thách đố trị giá 50 triệu đô liên quan tới "đường sắt đồ cổ". |
Trong thư gửi Thứ trưởng...
Theo ông thì để hiện đại hóa ngành đường sắt, chúng ta phải làm gì? Đến khi nào thì những chiếc tàu sình sịch cổ lỗ sĩ với tốc độ chậm như rùa bò sẽ phải loại hỏi hệ thống giao thông ở Việt Nam?
Chỉ khi nào những người lãnh đạo biết lắng nghe, biết trân trọng những hiến kế khoa học thì việc hiện đại hóa ngành đường sắt mới có sự biến chuyển. Đã đến lúc phải dừng lại các dự án tỷ đô mà không đem lại hiệu quả gì. Việt Nam cần thiết phải mở rộng đường sắt khổ 1,435m thì mới mong khắc phục được những tồn tại hiện nay. Tôi đã từng đề xuất dự án này với tổng trị giá là 5 tỷ USD.
Dự án đó của ông liệu có khả thi? Vì sao ông lại làm dự án này? Ông được gì trong dự án đó?
Dự án đó mang lại hạnh phúc cho Nhân dân Việt Nam, do sử dụng được hạ tầng nền đường, cầu cống, nhà ga, hệ thống tín hiệu nên chi phí đầu tư nâng cấp đường sắt 1,435m tốc độ 120km/h là rất khả thi, rất rẻ, tiết kiệm hàng tỷ USD. Dân giàu, nước mạnh thì tôi cũng có quyền lợi trong đó.
Có người cho rằng ông làm những việc này là để đánh bóng tên tuổi của bản thân. Chính cái dự án 5 tỷ đô của ông cũng huyễn hoặc, không khả thi, không thực tế...?
Yêu - ghét là gia vị cuộc sống luôn tồn tại xung quanh ta, việc đó tùy công luận phán xét. Điều có lợi cho dân ta cứ làm. Hiện đại đường sắt 1,435m là mục tiêu chính, là đỉnh cao của khoa học công nghệ Việt Nam để sánh vai cùng các cường quốc và giảm thiểu tai nạn giao thông. Tôi là một nhà khoa học bình thường, tôi không quan tâm đến chuyện đánh bóng tên tuổi.
Vậy giả sử dự án cải tạo nâng cấp đường sắt 1m thành công, thời gian hành trình giảm xuống đúng như phát ngôn của lãnh đạo Bộ GTVT, liệu ông có "sáng mắt" ra?
(Cười). Tôi luôn có niềm tin chắc chắn rằng không có chuyện đó. Tôi tin là mình đúng. Dự án nâng cấp đường sắt 1m thực hiện từ 2004 đến nay gần trọn 1 thập kỷ mà chưa thấy gì cả, chỉ thấy "tiền mất tật mang" mà thôi. Nếu cứ làm như thế thì hàng trăm năm nữa Việt Nam cũng chưa có đường sắt hiện đại được. Trong thư gửi Thứ trưởng Đông tôi cũng đã nói thẳng như thế.
Xin cảm ơn ông!
Bộ GTVT đang lên phương án hiện đại hóa đường sắt tuyến Bắc - Nam khổ đơn được các đơn vị tư vấn xây dựng và sẽ đưa ra lấy ý kiến nhân dân trong thời gian tới. Dự án nâng cấp đường sắt hiện hữu sẽ cải tạo một số điểm ách tắc ảnh hưởng đến an toàn hành lang và thời gian chạy tàu, tập trung cải tạo các điểm ách tắc như đèo Hải Vân - Đà Nẵng, Khe Nét - Quảng Bình, Đèo Cả, Bình Triệu - Hòa Hưng, nâng cấp tốc độ chạy tàu lên 80 - 90km/giờ với tàu khách và 50 - 60km/giờ với vận tải hàng hóa.
Tô Hội (Thực hiện)