4 loại thực phẩm hỗ trợ chữa viêm họng

Google News

(Kiến Thức) - Bên cạnh việc dùng thuốc thì sử dụng hợp lý 4 loại thực phẩm dưới đây sẽ hỗ trợ điều trị bệnh viêm họng rất nhiều. 

 
Viêm họng thường do virus: Triệu chứng hay gặp là đau rát họng, cảm giác vướng và đau khi nuốt, khó chịu trong người, sốt, ớn lạnh, sưng đau hạch và đôi khi thay đổi giọng nói. Viêm họng là bệnh dễ tái phát và có liên quan đến sức đề kháng của cơ thể, điều kiện môi trường sống. Do đó, điều trị viêm họng không chỉ là trị triệu chứng mà người bệnh còn cần chú ý tăng cường sức đề kháng, giữ sạch vùng miệng, hầu họng và cải thiện môi trường sống. Vì vậy, bên cạnh việc dùng thuốc thì chế độ ăn uống, lối sống cũng là điều mà những người hay mắc bệnh viêm họng cần chú ý.
Thực phẩm giàu vitamin C: Giúp tăng sức đề kháng nên giảm nguy cơ và giúp cải thiện nhanh tình trạng bị viêm họng, kích thích tiết nước bọt làm sạch khoang miệng, họng. Người bệnh nên uống nước ép, ăn trái cây tươi, mềm (cam, dâu tây, việt quất, nho, thơm, chuối...) rau, củ quả được nấu chín, mềm để khi nuốt không bị đau, làm tổn thương họng đang viêm. 
Thực phẩm giàu vitamin A: Giúp phòng ngừa, hỗ trợ cơ thể chống lại cảm lạnh, viêm hô hấp trên. Vitamin A giúp xây dựng, tái tạo lớp màng nhày cho mũi, họng. Vì vậy, nên ăn thêm sữa nguyên kem, lòng đỏ trứng, thịt, rau, củ quả có màu sậm (bí đỏ, cà rốt, rau muống, bồ ngót, dền, đu đủ, dưa hấu...).
Thực phẩm giàu vitamin E: Hỗ trợ hệ miễn dịch, giúp tăng sức đề kháng (giá đậu, bơ...). 
Thực phẩm giàu kẽm: Giúp tăng cường các hoạt động của hệ miễn dịch nên tăng sức đề kháng, chống lại viêm nhiễm và cảm lạnh (sò, đậu Hà Lan, đậu nành...).
Ngoài ra, cần chú ý uống đủ lượng nước hằng ngày. Hạn chế một số thực phẩm có thể làm suy giảm sức đề kháng nếu ăn nhiều, khiến bạn dễ mắc cảm cúm, viêm họng hoặc làm viêm họng lâu khỏi, dễ tái phát như đường tinh có trong bánh kẹo, đồ ăn, nước ngọt có gas, bánh ngọt, thực phẩm nhiều chất béo (đồ rán xào, thức ăn nhanh, khoai tây chiên, cá viên chiên...). 
Hạn chế và bỏ hút thuốc lá, tránh những khu vực có nhiều khói bụi. Nơi ở phải thoáng mát, sạch sẽ, tránh ra vào phòng máy lạnh thường xuyên vì cơ thể không kịp thích nghi, dễ bị cảm lạnh. Thường xuyên súc miệng và rửa mũi bằng thuốc nước muối sinh lý, tập thể dục vừa sức, thường xuyên và tránh tự ý dùng thuốc.
TS.BS Lê Nguyễn Trung Đức Sơn (trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM)