|
Trong lá hẹ có nhiều hoạt chất sinh học, có tác dụng kháng khuẩn mạnh. |
Cây hẹ có tên gọi khác là cửu thái, cửu thái tử, khởi dương thảo và nhiều tên khác. Tên khoa học là Allium ramosum (dạng hoang dã) hay Allium tuberosum (dạng gieo trồng), thuộc họ hành.
Người ta nghiên cứu và thấy, trong 100g hẹ có 2,1g protein; 0,1g lipit; 2,8g cacbonhydrat, 4mg caroten; 25mg vitamin C. Ngoài ra, trong lá hẹ có nhiều hoạt chất sinh học, có tác dụng kháng khuẩn mạnh. Đặc biệt, hoạt chất Odorin trong cây hẹ có tính kháng khuẩn rất mạnh và bền vững.
Không chỉ là loại rau ăn đơn thuần, cây hẹ còn có thể dùng phối hợp với một số thực phẩm, cây lá khác để chữa bệnh hiệu quả.
Chữa đái dầm, tiêu chảy lâu ngày ở trẻ em: Nấu cháo rễ hẹ. Rễ hẹ tươi 25g, gạo 50g. Rễ hẹ vắt lấy nước cho vào cháo đang sôi, thêm ít đường, ăn nóng. Dùng liên tục trong 10 ngày.
Trị lỵ amip: Nấu canh hẹ cá diếc (ngày 1 con), ăn cái, uống nước, dùng trong 1 tuần.
Chữa cảm mạo, ho do lạnh: Hẹ 250g, gừng tươi 25g, cho thêm ít đường hấp chín, ăn cái, uống nước.
Phòng táo bón, tích trệ: Hằng ngày, vào buổi sáng ngủ dậy, chưa ăn sáng, uống nước hẹ giã đã lọc bã.
Trị bế kinh: Lá hẹ 250g giã lấy nước hoà với đường đỏ, đun sôi để uống.
Ho khò khè ở trẻ em: Lá hẹ hấp cơm lấy nước cho trẻ uống.
Lương y Hoài Vũ (Hội Đông y Việt Nam)