Cháu Nguyễn Hồ T.A. (8 tuổi ở Long Biên, Hà Nội) đến cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nôn, đau bụng, mệt lả người vì ngộ độc thuốc diệt mối. Nguyên nhân là do T.A. bị ho khan kéo dài nên gia đình cho cháu uống thuốc ho. Vì lọ thuốc ho và lọ thuốc diệt mối khá giống nhau nên người trong gia đình đã lấy nhầm cho cháu uống.
Lời bàn: Theo BS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngày càng nhiều trẻ bị ngộ độc hóa chất do sự bất cẩn của người lớn. Các loại hóa chất thường gây nên ngộ độc cho trẻ như thuốc diệt côn trùng (muỗi, gián, mối...), thuốc cọ sàn, thông tắc nhà vệ sinh, dầu hỏa, luyn, xăng... thậm chí cả thuốc chữa bệnh.
Nguyên nhân là do người dân có thói quen rất nguy hiểm là để hóa chất độc hại bừa bãi, gần nơi để thuốc, thức ăn... và tận dụng những chai lọ đựng thực phẩm để chứa các hóa chất như dầu hỏa, axit, thuốc trừ sâu, chất tẩy rửa... Để tránh ngộ độc thì tất cả loại thuốc và hóa chất phải để xa tầm tay trẻ. Tuyệt đối không để chung thuốc điều trị với các loại chất độc.
Trước khi sử dụng thuốc hay hóa chất, người sử dụng nên kiểm tra kỹ tên loại thuốc, liều lượng, thời hạn sử dụng, nhất là thuốc sử dụng cho trẻ em. Không để người già (nhất là người mắt kém) cho trẻ uống thuốc, có thể gây nên nhầm lẫn thuốc điều trị, cũng có thể dẫn tới ngộ độc.
N.Hà (ghi)