Bệnh viện công “bắt tay” bệnh viện tư để giảm tải?

Google News

(Kiến Thức) - Sự giảm tải nhờ bệnh viện tư nhân gần như là bất khả thi vì nhiều nguyên nhân: nhân lực bênh viện tư thiếu và yếu, chi phí khám chữa bệnh cao hơn các bệnh viện công...

Những vướng mắc này đã được nêu lên trong hội nghị “Tăng cường phối hợp giữa bệnh viện Nhà nước và bệnh viện Tư nhân thực hiện đề án giảm tải bệnh viện của Thủ tướng Chính phủ Khu vực các tỉnh phía Nam” do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 10/3.
 Hội nghị Tăng cường phối hợp giữa bệnh viện Nhà nước và bệnh viện Tư nhân thực hiện đề án giảm tải bệnh viện của Thủ tướng Chính phủ Khu vực các tỉnh phía Nam.
Bệnh viện tư mới chia sẻ 10% người bệnh
Hiện nay, cả nước có 1200 bệnh viện công với số giường bệnh là 215.000. Trong khi đó, tỷ lệ giường bệnh của 170 bệnh viện tư nhân chỉ chiếm 4,2%. GS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết: “Giường bệnh của Việt Nam rất thấp, chỉ mới 22,5 giường/10.000 dân. Giải pháp cơ học nhất là tăng giường bệnh. Bên cạnh việc đầu tư 1 tỷ USD cho 5 bệnh viện tuyến cuối, Bộ Y tế kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng thêm các BV tư nhân, để đạt được mục tiêu cuối cùng là 15-20% số giường bệnh.”
Theo PGS. TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh (Bộ Y tế), trong hoạt động khám chữa bệnh, tổng lượt khám bệnh ngoại trú của các bệnh viện tư nhân là 7.700.875, chỉ bằng 6,7% so với 114.485.350 lượt khám tại các bệnh viện công.
PGS Khuê cho biết, bệnh nhân nội trú tại các bệnh viện tư cũng mới chỉ chiếm khoảng 6%, khám chữa bệnh cho bệnh nhân bảo hiểm y tế cũng chỉ mới được 4%. Hơn thế nữa, công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện Tư nhân còn khá thấp. Số bệnh viện tư nhân có công suất đạt 60 – 85% chỉ chiếm 21,6%, hơn 56,9% bệnh viện có công suất giường dưới 60%.”
PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ, hiện nay trên địa bàn thành phố có 39 Bệnh viện tư nhân, với 3.093 giường bệnh. Hầu hết các bệnh viện đều được đầu tư xây dựng theo đúng tiêu chuẩn thiết kế, trang thiết bị hiện đại phục vụ khám chữa bệnh. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Sở Y tế thì công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện tư nhân lại không cao, như: Bệnh viện Hoàn Mỹ 228 giường bệnh, công suất sử dụng 73.58%; Bệnh viện Vạn Hạnh 135 giường bệnh, công suất 85%, Bệnh viện Triều An 355 giường bệnh, công suất 60%, Bệnh viện Gaya Việt Hàn (39%); Bệnh viện Hồng Đức III (60%); Bệnh viện Ngọc Linh (13%);… cá biệt có Bệnh viện Đức Khang với công suất sử dụng giường bệnh chỉ đạt 5%.
Theo PGS.TS Tấn Bỉnh, công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện tư nhân thấp có thể do nhiều nguyên nhân như giá viện phí cao hơn so với bệnh viện công lập, nhân sự thiếu và chưa khẳng định được y hiệu.
Chuyển tuyến từ công sang tư: Nước chảy chỗ trũng
Chia sẻ kinh nghiệm hợp tác giảm tải, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, viện hợp tác với các bệnh viện tư nhân qua ba hình thức: hợp tác hỗ trợ chuyên môn, hợp tác giảm tải bệnh nhân nội trú (2 bệnh viện tư nhân), hỗ trợ chuyên môn gửi mẫu xét nghiệm cận lâm sàng (2 bệnh viện tư nhân).
Trong hơn 10.000 bệnh nhân sau khi ổn định được chuyển đi cho các bệnh viện vệ tinh bao gồm: Bệnh viện 7A, Bệnh viện Chỉnh hình & Phục hồi Chức năng TP.HCM, Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi Chức năng - Điều trị Bệnh Nghề nghiệp TP.HCM, Bệnh viện Ngoại Thần kinh Quốc tế, Bệnh viện Đức Khang, Bệnh viện 175. Hai bệnh viện tư nhân: Bệnh viện Ngoại Thần kinh Quốc tế và Bệnh viện Đức Khang mới chỉ chia sẻ được 8,9%.
Còn tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nhiều năm nay, tình trạng quá tải luôn diễn ra với hơn 1500 bệnh nhân nội trú (630 giường) và hơn 11.000 bệnh nhân ngoại trú. Tình trạng quá tải đặc biệt xảy ra ở các khoa Nội, với tỷ lệ 350%. Nhưng tham gia giảm tải cho Bệnh viện Ung bướu mới chỉ là các bệnh viện công lập tuyến dưới như Bệnh viện Bình Thạnh, Bệnh viện Quận 2, Bệnh viện Quận 9, Bệnh viện Quận 12…
Theo PGS. Kim Tiến, mới đây Bộ Y tế đã ban hành cách phân hạng mới theo năng lực khả năng chuyên môn, không phân biệt ngoài công lập hay công lập. Đặc biệt, Bộ Y tế cũng đưa ra thông tư về chuyển tuyến mới.
Trước đây, chẳng bao giờ tuyến trên chuyển xuống tuyến dưới, gần như không bao giờ, bệnh nhân được chuyển từ công lập sang các bệnh viện tư nhân. Với thông tư này, tùy theo đặc điểm chuyên môn, nhu cầu bệnh nhân, bệnh nhân ở giai đoạn ổn định có thể được BV nhà nước chuyển sang theo dõi chăm sóc ở bệnh viện tư nhân.
Tuy nhiên, đây là điều khó đạt được khi bệnh viện công lập có nguồn nhân lực rất tốt, thương hiệu uy tín. Còn nguồn nhân lực của bệnh viện tư có thể là các bệnh việnquản lý đã nghỉ hưu, bs trẻ chưa tìm được việc làm, hoặc các bác sĩ hợp đồng…
Bùi Hương