Thận tổn thương bắt buộc phải cắt bỏ?
Trả lời về những câu hỏi của chị Thu gửi đến tòa soạn, TS Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thiên Đức cho biết, theo hồ sơ bệnh án chị Thu khai đã mắc bệnh sỏi thận cách đây khoảng 20 năm, nhiều lần đau quặn thận, tiểu ra máu, ảnh hưởng tới sức khoẻ làm việc và sinh hoạt. Chị Thu là điều dưỡng làm việc khá lâu tại bệnh viện, biết rõ năng lực chuyên môn của bệnh viện cũng như cá nhân ThS.BSCK II Ngoại thận tiết niệu Nguyễn Dương Tân. Do vậy, chị Thu đã nhiều lần gặp và xin BS Tân khám, cho làm xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để xác định bệnh.
Với chẩn đoán sỏi san hô thận phải, thận phải giảm chức năng, bệnh của chị Thu có chỉ định phẫu thuật. Trước khi mổ, BS Tân đã gặp chị Thu, giải thích kỹ về khó khăn, biến chứng, rủi ro có thể xảy ra trong và sau mổ như chảy máu, nhiễm khuẩn, ảnh hưởng tạng khác, thậm chí có thể phải cắt bỏ thận phải nếu không bảo tồn được cho chị Thu và gia đình biết. ChịThu đã chấp nhận và tự nguyện làm đơn ký cam kết trước mổ. Trong ca mổ, mặc dù khó khăn nhưng BS Tân cùng kíp mổ đã cố gắng tối đa, rạch nhu mô thận lấy sỏi hy vọng bảo tồn được thận dù mất khá nhiều máu (truyền 7 đơn vị máu). Cuộc mổ được đánh giá là thành công.
Tuy nhiên, sau đó phát hiện vết mổ bị nhiễm trùng, có đường rò, bệnh viện đã theo dõi điều trị vết rò, hy vọng sẽ liền nhưng sau khi áp dụng nhiều biện pháp chăm sóc, đường rò vẫn tồn tại, phải mổ cắt đường rò, kiểm tra thận phải. Trong quá trình cắt đường rò vào sâu bên trong, kiểm tra thấy rò từ phía thận phải, thận phải viêm xơ teo là nguyên nhân chính gây rò, phẫu thuật chảy nhiều máu, cầm máu không được, ThS.BSCK II Nguyễn Dương Tân và kíp mổ đã hội chẩn nhanh trong mổ, xin cắt bỏ thận phải cầm máu để cứu tính mạng chị Thu.
|
Phóng viên làm việc với Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thiên Đức. |
Chỉ thừa nhận sai sót do không thông báo
Trước những câu hỏi của chị Thu về nhiễm trùng vết mổ trong cuộc mổ lấy sỏi là nguyên nhân gây hỏng thận? Tại sao đã cắt thận mà vẫn còn sỏi trong hố thận? Nguyên nhân gây viêm phúc mạc và xơ dính? Sao trước mổ luôn khẳng định chỉ xử lý đường rò rồi trong mổ cắt thận lại giấu và không thông báo cho bệnh nhân và gia đình?... TS Nguyễn Văn Phúc cho biết, thận phải của chị Thu là thận bệnh lý, có sỏi san hô, chức năng đã giảm từ trước mổ. Cuộc phẫu thuật lấy sỏi, cố gắng bảo tồn thận phải, xuất hiện viêm rò sau đó phải mổ lại cắt đường rò, cắt thận phải trong tình huống khẩn cấp là điều không ai mong muốn, nhưng nằm trong tiên lượng chị Thu đã được giải thích trước mổ.
Với một phẫu thuật lấy sỏi, nhiều viên lại trong tình huống chảy máu dữ dội, việc kiểm soát lấy sỏi có thể không hoàn hảo, sỏi sót trong hố thận là điều hoàn toàn có thể xảy ra cũng giống như một ca mổ nào đó khác dẫn tới nhiễm trùng hay viêm rò sau đó chẳng hạn. Việc phúc mạc bị dính và có mủ trong hố chậu phải sau mổ 2 lần tại Bệnh viện Đa khoa Thiên Đức cũng là dễ hiểu, có nhiều nguyên nhân, trong đó có cơ địa của bệnh nhân Thu, đặc biệt trong các phẫu thuật tiết niệu nói chung và trong mổ sỏi nói riêng, nhiễm khuẩn và rò sau mổ có thể xảy ra...
Trong cả buổi làm việc với phóng viên, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thiên Đức cũng như công văn số 15/TB–BV trả lời gia đình chị Thu, bệnh viện vẫn khẳng định không có sai phạm trong cả hai ca mổ, chỉ thừa nhận làm sai nguyên tắc là đã không thông báo cho gia đình bệnh nhân trong trường hợp thay đổi kỹ thuật mổ là phải cắt thận để cứu tính mạng bệnh nhân. Về vấn đề này, Bệnh viện Đa khoa Thiên Đức đã trao đổi rút kinh nghiệm vì “để tình lẫn lý” (bệnh viện lý giải vì thông cảm với hoàn cảnh của chị Thu và chờ chị Thu ổn định mới thông báo(?).
Cái “bẫy” của bản cam kết in sẵn
Trong đơn thư và trao đổi với phóng viên, chị Thu và gia đình đều khẳng định, trong giải thích về biến chứng của phẫu thuật lần 2, bác sĩ luôn khẳng định chỉ phẫu thuật xử lý đường rò và kiểm tra thận, tuyệt đối không cắt thận, nhưng trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ đã tự ý cắt thận của chị Thu. Phía bệnh viện luôn khẳng định đã giải thích rõ cho chị Thu và chị Thu cũng đã ký cam kết. Nhưng trong cả hai bản cam kết phía bệnh viện cung cấp bản sao cho phóng viên thì ngoài họ tên, địa chỉ, tuổi... và chữ ký là chữ viết tay, bệnh nhân chỉ tích vào dòng đồng ý xin phẫu thuật, thủ thuật, gây mê hồi sức và để giấy này làm bằng chứng mà không biết rõ đó là phẫu thuật gì, rủi ro có thể xảy ra như thế nào... Phải chăng đó là lý do để Bệnh viện Đa khoa Thiên Đức luôn khẳng định không có sai phạm vì bệnh nhân đã ký cam kết?
Tìm hiểu về vấn đề này tại nhiều khoa ngoại tại các bệnh viện chúng tôi được biết, trước khi ký cam kết phẫu thuật cả bệnh nhân và người nhà phải được bác sĩ phẫu thuật giải thích rõ về bệnh lý, cách thức tiến hành phẫu thuật và những tai biến và rủi ro có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật và gây mê hồi sức để bệnh nhân và người nhà hiểu rõ và ký cam kết. Trong bản cam kết, bệnh nhân và người nhà phải ghi rõ sự đồng ý với cách thức phẫu thuật ấy (chẳng hạn như trong trường hợp lần mổ đầu tiên của chị Thu phải ghi rõ rằng phẫu thuật lấy sỏi...) và chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra. Trong điều kiện bệnh nhân và người nhà hoàn toàn tỉnh táo và không bị một áp lực tâm lý nào...
Như vậy, phải chăng bản cam kết in sẵn là cái “bẫy” với bệnh nhân để bệnh viện “đổ trách nhiệm” cho chính bệnh nhân?
Tòa soạn tiếp tục thông tin sự việc này tới bạn đọc.
Thúy Nga