Cháu Nguyễn Thị H. (3 tuổi ở Bắc Giang) bị sốt cao, khó thở nhập viện trong tình trạng tràn dịch màng phổi. Bệnh nhi được điều trị tích cực nhưng bệnh không thuyên giảm, ngày càng nặng mà không rõ nguyên nhân. Kết quả chiếu chụp cho thấy có dị vật bên trong phổi.
Dù không xác định được nguyên nhân nhưng bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật để cứu sống bệnh nhân và bất ngờ bắt được một ấu trùng sán nhái dài 42cm, rộng 0,8cm. Truy tìm nguyên nhân thì có khả năng là do mẹ cháu mới xào qua thịt ếch thì cháu H. đã lấy ăn.
|
Ảnh minh họa. |
Lời bàn: GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội cho biết, sán nhái trưởng thành Spirometra erinacei thường ký sinh ở ruột chó, mèo, hiếm khi ở người. Thế nhưng, người bị bệnh ấu trùng khi ăn phải ấu trùng từ động vật hay giáp xác hoặc đắp ếch nhái lên mắt để chữa bệnh. Thường ấu trùng sán di chuyển đến ký sinh ở giác mạc mắt nhưng cũng có thể di chuyển đến một số vị trí khác trên cơ thể người như phổi, dạ dày...
Việc chẩn đoán sán nhái ngoài mắt là khó, thậm chí khi mổ bắt được sán vẫn không chẩn đoán được nguyên nhân. Vì vậy, việc điều trị sẽ khó khăn và đôi khi không đúng bệnh dễ dẫn tới những nguy hiểm, thậm chí mất mạng.
Để phòng bệnh ấu trùng sán nhái cũng như phòng bệnh các ký sinh trùng truyền qua thức ăn, tốt nhất phải ăn thực phẩm chín, dụng cụ chế biến thức ăn sống cần được vệ sinh tốt và không dùng chung với thức ăn chín.
N.Hà (ghi)