Tập luyện
Động tác 1: Bệnh nhân đứng thẳng co một chân lên, dùng bàn tay nắm lấy bàn chân cùng bên, kéo gót chân về phía mông. Giữ nguyên trong 30 giây, sau đó thả ra. Đổi chân bên kia, mỗi bên làm 3 - 5 lần. Động tác kéo giãn cơ từ đầu đùi giúp giải phóng sức căng đè lên mặt trước khớp gối.
Động tác 2: Người bệnh đứng người thẳng một chân phía trước và chân phía sau như tư thế chuẩn bị chạy. Gấp khớp gối trước hướng xuống sàn. Giữ tư thế này trong 30 giây rồi thả ra. Đổi chân bên kia, mỗi bên làm 3 - 5 lần. Động tác giúp giãn cơ tăng cường lưu thông máu tới gối.
Động tác 3: Người bệnh giữ thăng bằng, nhắc lần lượt tay nọ chân kia như đi duyệt binh sao cho cẳng chân tạo với đùi một góc 90o. Làm động tác này mỗi chân 20 - 30 lần, có vai trò giảm co cứng khớp gối, tăng cường dinh dưỡng, giúp tái tạo dịch nhờn bôi trơn ổ khớp.
Bài thuốc Nam
Nguyên liệu: Lá lốt 12g, cành quế 12g, cỏ xước 150g, rễ mắc cỡ (xấu hổ) 120g, thiên niên kiện 6g, đỗ đen 30g. Tất cả cho sâm sấp nước đun kỹ, chia uống hai lần trong ngày sau ăn cơm 30 phút - 1 tiếng. Nếu đầu gối sưng nóng đỏ thì uống thuốc khi đã nguội và uống lúc còn ấm khi đầu gối đau lạnh. Hai ngày uống 1 thang. Nếu đau có tính chất di chuyển thêm phòng phong 20g, đau nhức nặng tại chỗ thêm ý dĩ 15g.
|
Lương y Chu Văn Tiến hướng dẫn động tác 1. |
Trà thuốc
Rễ cây xấu hổ cắt miếng mỏng, phơi khô, sao vàng, tẩm rượu 35 - 40o để ngấm, sao khô, mỗi ngày lấy 120g hãm, sắc uống. Sau 4 - 5 ngày sẽ thấy kết quả.
Thuốc đắp - chườm
1. Cây vòi voi một nắm đem giã nhuyễn với một chút muối đắp vào khớp gối sưng nóng đỏ đau, ngày thay thuốc. Làm như vậy khi có kết quả thì dừng.
2. Muối 100 - 200g rang nóng bọc vải chườm quanh khớp gối, ngày 1 - 2 lần dùng trong trường hợp khớp gối đau lạnh.
3. Gừng tươi một củ to, lá đu đủ 1 - 2 lá, tất cả đem giã nhuyễn với một chút muối, rượu, đắp thuốc ngày một lần, dùng trong trường hợp khớp gối đau cứng, khó vận động.
Xoa bóp - bấm huyệt
Xoa bóp: Người bệnh ngồi thả lỏng trên giường cứng, hai chân duỗi thẳng. Hai bàn tay ôm lấy hai bên khớp gối, xát quanh khớp từ trên xuống và ngược lại khoảng 20 lần. Tiếp đó dùng hai bàn tay úp lên hai xương bánh chè, day tròn theo chiều thuận và ngược kim đồng hồ mỗi chiều khoảng 20 lần.
Bấm huyệt: Bệnh nhân ngồi tư thế thoải mái, dùng ngón tay cái lần lượt day bấm các huyệt độc tỵ (chỗ lõm đầu ngoài xương bánh chè), tất nhãn (chỗ lõm dưới, đầu trong xương bánh chè), hạc đỉnh (chỗ lõm bờ trên xương bánh chè) và huyết hải (gấp gối 90o từ giữa bờ trên xương bánh chè đo lên 1 thốn vào trong 2 thốn) với lực nhẹ nhàng thấm sâu mỗi huyệt 2 - 3 phút.
Để điều trị hiệu quả, ngoài tuân thủ phác đồ điều trị chuyên khoa, cần có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, lao động hợp lý. Không nên đi bộ, tránh để thừa cân béo phì tạo áp lực cho khớp, tránh cử động mạnh đột ngột khớp gối, leo trèo cao, đi cầu thang nhiều, không đi dép cao gót, ngồi xổm, khom lưng kéo dài, nên bơi lội, đi xe đạp... Tăng cường các thức ăn bổ sung canxi như sữa, tôm, cá...
Lương y Chu Văn Tiến (Hội Đông y Vĩnh Tường)