Nhiệt độ đột ngột tăng cao
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết: Đợt nắng nóng vừa qua khiến không ít người kêu mệt mỏi và lo sợ về một mùa nắng nóng bất thường. Tuy nhiên, thực tế, tháng 5 mà có nắng trên 36oC là điều không bất thường. Việc người dân cảm thấy mệt mỏi là do thời tiết đang mát mẻ thì nhiệt độ đột nhiên tăng cao một cách đột ngột.
Ông Lê Thanh Hải cho biết, thông thường trước khi nắng nóng bao giờ cũng có một khoảng thời gian "quá độ" giúp người dân thích nghi với thời tiết nhưng năm nay trời đang mát thì nhiệt độ bỗng tăng lên khá cao. Năm ngoái, trong tháng 4 có tới 15 ngày khu vực Hà Nội nắng trên 30 độ C (trong đó cao nhất là ngày 26/4 nhiệt độ lên tới 33 độ C) và chỉ có khoảng 20 ngày mưa, vì thế người dân có một khoảng thời gian thích nghi dần với cái nắng nóng của tháng 5.
Tuy nhiên, trong tháng 4 năm nay, thời tiết lại rất mát mẻ (tháng 4/2014 có tới 28 ngày mưa và chỉ có 5 ngày có nhiệt độ trên 30 độ C). Không những thế, 8 ngày đầu tiên của tháng 5 thời tiết khá mát mẻ, tuy nhiên sang ngày 9/5, nhiệt độ đột ngột tăng cao với đỉnh điểm là ngày 10 - 11/5, ngày 12/5, nhiệt độ giảm một chút nhưng sang đến ngày 14/5, nhiệt độ lại tiếp tục tăng cao, khu vực Hà Nội có thời điểm lên tới 39,2 độ C, trời rất oi bức. "Trời đang mát, nhiệt độ đột ngột tăng cao khiến người dân không có quá trình thích ứng", ông Hải giải thích.
Ông Hải cho biết thêm, trong một mùa hè thường sẽ có khoảng 5 - 7 đợt nắng nóng, trong đó có khoảng một nửa là nắng nóng gay gắt, từ nay đến cuối tháng 5 ít nhất còn 1 - 2 đợt nắng nóng nữa. Thông thường Hà Nội trong 1 năm bao giờ cũng có khoảng 30 ngày nhiệt độ lên trên 36oC, tập trung từ tháng 5 - 7.
|
Ảnh minh họa. |
Cẩn thận khi từ nhà ra đường
Ông Lê Thanh Hải cho biết, vào những ngày nắng, thời gian nắng thường từ khoảng 10 - 17h, trong đó nắng nhất vào khoảng 13 - 16h. Đặc biệt, ngoài cái nắng khủng khiếp thì độ ẩm không khí lại thấp chính là nguyên nhân khiến nhiều người không thích nghi được, dẫn đến chảy máu cam, đau đầu, ngất xỉu (say nắng). Vì thế, vào những lúc cao điểm nắng nóng, người dân nên hạn chế làm việc ngoài trời, uống nhiều nước.
Ông Lê Thanh Hải cũng lưu ý thêm, vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ được chia làm 2 loại là nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ trong nhà. Nhiệt độ ngoài trời bao giờ cũng chênh khoảng 3 - 4 độ C (ví dụ, nếu dự báo là 36 độ C thì ngoài trời có thể lên tới 40 độ C), vì thế đừng thấy nhiệt độ trong nhà thấp mà lơ là việc chống nắng khi đi ngoài đường. Đặc biệt là hiện nay nhiều gia đình sử dụng điều hòa, chỉ để nhiệt độ khoảng 26 - 28 độ C, do đó khi bước ra ngoài trời dễ bị say nắng do không kịp thích nghi với sự chênh lệch quá lớn giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời.
Vì thế, khi bước từ nhà ra ngoài đường vào những ngày nắng phải có một thời gian "quá độ" chứ không nên vội bước từ nhà ra ngoài đường luôn. Tốt nhất, từ trong phòng điều hòa ra nên dừng lại một chút ở cửa hay chỗ có bóng mát để cơ thể thích nghi dần với cái nóng bên ngoài. Từ ngoài trời nắng đi vào phòng lạnh cũng nên mở cửa và dừng lại một chút để làm quen với nhiệt độ thấp.
Đối với những người phải làm việc ngoài trời thì tốt nhất nên tận dụng thời gian buổi sớm khi trời còn mát. Khi nắng lên đỉnh điểm thì không nên ở ngoài trời quá lâu và phải có mũ nón, mặc áo dầy chống nắng. Nên uống nhiều nước nhưng cần đúng cách để bù lại lượng nước đã mất qua mồ hôi.
Lương y Nguyễn Văn Sử (Hội Đông y Việt Nam)
Huy Khánh