- Lâu nay người ta vẫn cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố. Thế nhưng, một nghiên cứu tại Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu nghị cho thấy: Ngộ độc thực phẩm tại nhà mới chiếm số đông, đồng thời "điểm mặt chỉ tên" một trong những nguyên nhân ngộ độc tại nhà là vấn đề ô nhiễm chéo thực phẩm ở tủ lạnh.
Đồ sống để lẫn với đồ chín
PGS.TS Trần Đình Toán, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu nghị - thành viên của nhóm nghiên cứu cảnh báo, nguy cơ ngộ độc thức ăn từ đồ ăn chứa trong tủ lạnh rất cao bởi đồ ăn chứa trong tủ lạnh vừa nhiều về số lượng, chủng loại, vừa chưa được chú ý đến vấn đề đồ ăn sống - chín nên để riêng.
Nhiều gia đình rau mua về chưa cắt gốc, cá tươi, trứng vẫn còn dính phân, thịt các loại, hoa quả tươi chưa rửa... đã để vào tủ lạnh.
Đồng thời với đó, đồ ăn chín ăn chưa hết cũng được... tống vào đây. Tất cả những điều đó khiến tủ lạnh trở thành kho chứa thực phẩm hỗn độn trong khi vấn đề vệ sinh lau chùi không thường xuyên. Ít gia đình có điều kiện 1 - 2 ngày lôi tủ lạnh ra lau rửa.
PGS.TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, nhiều tủ lạnh chỉ có 2 ngăn. Vậy nên nhiều người để thức ăn cả sống cả chín vào đây gây ô nhiễm chéo vi sinh vật. Thực phẩm khi đã để trong tủ lạnh, lúc ăn lại phải được đun lại từ 70 độ trở lên.
Vấn đề ô nhiễm gây ngộ độc thường xảy ra ở thực phẩm để trong tủ lạnh lấy ra ăn ngay như hoa quả (hoa quả đã gọt ăn dở lại để lẫn với thịt sống).
Vì vậy, khi hoa quả ăn không hết, nên có màng bọc lại. Việc vệ sinh tủ lạnh nên tùy điều kiện gia đình, 2 - 3 ngày vệ sinh một lần, cùng lắm là 1 tuần phải vệ sinh lau chùi.
Thực tế, nhiều nhà cả tháng không lau tủ lạnh một lần, và đây chính là nguồn ô nhiễm thực phẩm lớn.
|
Tủ lành nhà ba Hoa luôn để chung các đồ thức ăn lẫn nhau. |
2 - 3 ngày phải vệ sinh tủ lạnh/lần
Tòa soạn đã làm một cuộc phỏng vấn nhỏ với đối tượng là phụ nữ, đang sinh sống ở Hà Nội (với 3 câu hỏi: Sau bao lâu gia đình làm vệ sinh tủ lạnh một lần? Trong tủ lạnh gia đình, đồ ăn sống và đồ ăn chín có để ngăn riêng và đậy nắp kỹ không?Trong gia đình đã từng có ai bị ngộ độc sau khi ăn chưa?).
Kết quả cho thấy, đối tượng trí thức (trình độ học vấn đại học) rất chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, còn đối tượng lao động phổ thông tỏ ra bất ngờ khi nhận được những câu hỏi trên.
Chị Đỗ Thị Hoa, bán hàng hoa quả ở phố Ngọc Hà, Ba Đình cho biết, chị đi bán hàng cả ngày nên chị cũng không để ý bao lâu vệ sinh tủ lạnh một lần.
Tuy nhiên, nhà chị cũng để đồ ăn chín, đồ ăn sống ở ngăn riêng, hoa quả thậm chí còn lấy màng bọc bọc lại, nhưng đồ ăn như canh, thịt... nếu ăn vẫn còn để vào tủ lạnh thì không đậy vì đến chiều ăn vẫn đun lại.
Trong 5 trường hợp phỏng vấn, chỉ có một trường hợp duy nhất từng bị ngộ độc khi ăn ở nhà. Đó là trường hợp chị Hoàng Thu Hằng, ở địa chỉ phòng 407 nhà A7 Ngọc Khánh, Ba Đình, nhưng chị Hằng cho biết, chính xác là ăn ở nhà bà ngoại.
Nhà bà ngoại không có điều kiện vệ sinh tủ lạnh thường xuyên, nhưng ngộ độc là do ăn hoa quả. Có thể hoa quả có nhiễm tồn dư hóa chất.
PGS.TS Trần Đình Toán khuyên: Chỉ nên để thực phẩm vào tủ lạnh với số lượng vừa phải, không lưu cữu thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh, phải đựng thực phẩm trong hộp riêng (nếu tủ lạnh ít ngăn), thức ăn sống - chín phải để riêng hộp, riêng tầng.
Cần lưu ý, thịt, cá để vào tủ lạnh là để kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn chứ không ngăn cản được vi khuẩn xâm nhập. Thực phẩm nếu để vào ngăn đá, khi bỏ ra nên dùng hết ngay; không nên bỏ từ ngăn đá ra, dùng một phần rồi lại cất vào ngăn đá bởi lúc bỏ ra, vi khuẩn xâm nhập rất nhanh và dễ gây ngộ độc.
Tại Bệnh viện Hữu nghị, bệnh nhân bị ngộ độc do ăn tại hàng quán chỉ chiếm 4,02%; ngộ độc do ăn tại tiệc cưới, liên hoan, tân gia là 5,75%; ngộ độc từ gia đình chiếm tới 90,23%. |
Hoài Hương
[links()]