Lõm ổ mắt là biến chứng hay gặp sau chấn thương khiến mắt tụt kẹt không chỉ gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà còn dễ gây chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương thần kinh, giảm hoặc mất hoàn toàn thị lực... Bằng kỹ thuật vi phẫu, các bác sĩ đã lấy xương tự thân tái tạo lại thành ổ mắt, giải phóng tổ chức tụt kẹt, tránh nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân.
Giảm thị lực và dễ mù
Anh Nguyễn Văn T. (32 tuổi ở Hà Nội) bị tai nạn giao thông gây chấn thương vùng mặt trong đó có cả vùng xương ổ mắt. Sau điều trị bình phục chấn thương nhưng mắt anh nhìn khó, thị lực giảm, một bên mắt cứ tụt sâu dần khiến nhìn 1 thành 2, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và không dám đi xe máy vì sợ gây tai nạn. Anh đã đi khám ở nhiều chuyên khoa như mắt, tai mũi họng, thậm chí cả răng hàm mặt nhưng đều bó tay. Cho đến khi anh được các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức lấy sụn sườn để đưa lên cấy ghép vào vùng sàn sụt, nhờ đó mắt anh mới hết kẹt, nhìn trở lại bình thường.
TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức cho biết, vỡ xương ổ mắt là tổn thương thường gặp trong chấn thương hàm mặt, trong đó thành trong và sàn ổ mắt thường hay bị tổn thương vì đều là những vách xương mỏng. Khi vách xương này bị vỡ mắt sẽ tụt dần càng lâu càng sâu khiến hai mắt một bên cao, một bên thấp.
Lõm ổ mắt là một biến chứng thường gặp, gần đây khoa đã tạo hình lõm ổ mắt cho trên 30 ca, đa phần là trẻ tuổi 18 - 39 tuổi, nhỏ nhất là 14 tuổi, lớp nhất là 51 tuổi. Lõm ổ mắt không chỉ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, mà còn gây giảm thị lực, nhìn 1 hóa 2 (song thị), chảy máu, nhiễm trùng, kẹt cơ vận nhãn; trễ mi, quặm mi, tổn thương thần kinh thị gây giảm, thậm chí mất thị lực hoàn toàn...
|
Các bác sĩ dùng kỹ thuật vi phẫu để tạo hình ổ mắt cho bệnh nhân. |
Điều trị sớm tránh ghép xương
BS Nguyễn Hoàng Cương, Khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức cho biết, vỡ xương ổ mắt có thể đơn thuần hoặc nằm trong bệnh cảnh gẫy phức hợp xương hàm trên gò má - ổ mắt. Bệnh nhân bị chấn thương ổ mắt có thể khám ở nhiều chuyên khoa khác nhau như tai mũi họng, mắt, răng hàm mặt, phẫu thuật tạo hình.
Do đó, việc chẩn đoán nhiều khi có thể bỏ qua. Rất nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng bệnh để lâu, tụt kẹt sâu hoặc những trường hợp đa chấn thương, sau thời gian điều trị các tổn thương phối hợp ổn định rồi mới đi khám và xử lý tổn thương mắt. Hoặc những bệnh nhân đã mổ chấn thương hàm mặt lần 1 nhưng để lại di chứng lõm ổ mắt, lần này đến mổ tháo nẹp vít sẽ kết hợp sửa chữa các di chứng.
TS Nguyễn Hồng Hà cho hay, nếu bệnh nhân đến viện ở giai đoạn sớm, các bác sĩ sẽ dùng ngay xương vỡ để lại nội soi đưa xương qua mồm để đẩy sàn lên. Trường hợp đến muộn thì phải dùng các vật liệu thay thế có thể là xương tự thân như xương sọ, xương chậu, xương hàm dưới, sụn sườn, sụn vành tai, sụn vách ngăn... hoặc vật liệu tổng hợp thay thế. Các loại chất liệu này phải đảm bảo bù được diện khuyết xương sàn hốc mắt và đủ độ chắc để có thể nâng đỡ toàn bộ cấu trúc ổ mắt cũng như việc gia tăng áp lực trong hốc mắt.
Theo BS Nguyễn Hoàng Cương, tốt nhất là nên can thiệp sớm 2 tuần đầu sau chấn thương để tránh hiện tượng xơ hóa tổ chức, mặc dù thời điểm này mắt còn nề, các dấu hiệu như lõm mắt, song thị chưa rõ ràng. Điều trị sớm không chỉ giúp về thẩm mỹ mà còn tránh được nhiều tai biến, biến chứng. Nguyên tắc của việc điều trị nhằm giải phóng tổ chức bị tụt kẹt, thoát vị và tái tạo lại thành ổ mắt bằng chất liệu phù hợp.
Kết quả điều trị trên 30 bệnh nhân cho thấy, độ lõm nhãn cầu trước và sau mổ cải thiện rõ ràng ở tất cả các bệnh nhân. Tuy nhiên, khi dùng thước chuyên dụng để đo so sánh giữa hai bên thì có 7 trường hợp vẫn có sự chênh lệch mức độ nhẹ nhưng theo đánh giá thì lõm ổ mắt <_ 2mm thường không phát hiện được bằng mắt thường, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chấp nhận được. Chỉ có 1 trường hợp bị biến chứng sẹo co kéo gây quặm mi khi mổ qua đường kết mạc mi dưới và đã được phẫu thuật sửa sẹo sau đó.
Thúy Nga