|
Bé nhập viện trong tình trạng nặng phải thở máy. |
Ngày 5/5, BS Đặng Thị Thanh Tuyền, khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết thông tin trên. Qua khai thác bệnh sử, được biết trong gia đình bệnh nhân có bà nội mắc bệnh thủy đậu sau đó lây cho dì của bé cũng sống chung nhà và sang cho mẹ của bé, bệnh nhi xuất hiện nốt thủy đậu đầu tiên sau khi mẹ bị bệnh một tuần.
Theo BS Thanh Tuyền, bệnh nhi được tiếp nhận và xử trí nhanh chóng với thở oxy, kháng vi rút, kháng sinh và truyền máu. Tuy nhiên, bé có diễn tiến bệnh không thuận lợi do biến chứng xuất huyết ngày càng nhiều hơn với xuất huyết tiêu hóa và xuất huyết phổi ồ ạt, gây suy hô hấp. Nhờ sự phối hợp điều trị giữa khoa Hồi Sức Sơ Sinh và khoa Nhiễm, bé phải thở máy với thông số áp lực cao và tiếp tục điều trị hồi sức tích cực. Sau hơn 2 tuần điều trị, bé đã hoàn toàn khỏe mạnh trong niềm hân hoan của gia đình và tập thể nhân viên y tế.
|
Bé đã hồi phục tốt và cai máy thở |
Bệnh Thủy Đậu là một bệnh dễ lây lan do siêu vi Varcella-zoster. Bệnh có biểu hiện sốt, nổi nốt thủy đậu có bóng nước đa dạng nhiều lứa tuổi toàn thân. Bệnh lây lan chủ yếu do ho, hắt hơi, do tiếp xúc hay hít phải virus có ở bóng nước. Bên cạnh đó, bệnh có thể lây truyền từ người mẹ mang thai bị bệnh sang cho con, đặc biệt người mang thai ở 3 tháng cuối mắc bệnh thì có tỉ lệ lây sang cho con lên đến trên 80%.
Bệnh thủy đậu thường nhẹ và tự khỏi, tuy nhiên có thể xảy ra biến chứng. Biến chứng thường xảy ra ở các đối tượng như: trẻ sơ sinh, người già, người suy giảm miễn dịch. Thường gặp nhất là nhiễm trùng nốt thủy đậu, viêm phổi, nhiễm trùng huyết và các biến chứng khác ít gặp hơn như: viêm não,viêm màng não, viêm khớp và biến chứng xuất huyết. Các biến chứng có thể để lại hậu quả nặng nề, đôi khi để lại di chứng suốt đời và tử vong. Khi có người mắc bệnh nên hạn chế tối đa tiếp xúc với người chưa mắc bệnh, ngay cả trong gia đình. Khi có các biểu hiện bệnh, nên đưa bệnh nhân đến khám và điều trị tích cực càng sớm càng tốt.
Hương Giang