Mệt, ốm vì... nằm ngủ sai tư thế
Dân văn phòng thường có thói quen ngủ trưa với đủ các kiểu ngủ khác nhau như gục mặt xuống bàn ngủ, ngủ dưới gầm bàn, hay ngủ co quắp trong 2 chiếc ghế chập lại... Tuy nhiên, với những cách ngủ này, nhiều người thay vì sảng khoái lại thấy đau người, mỏi cổ do tư thế nằm sai; thậm chí còn thấy đau đầu, mệt mỏi do giấc ngủ chập chờn vì bị tác động của mùi mực từ máy in, tiếng ồn của các thiết bị trong văn phòng và đồng nghiệp nói chuyện...
Theo BS Đào Bá Vy, nguyên Trưởng khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện 354, một giấc ngủ trưa, dù chỉ ngắn khoảng 15 phút, cũng giúp cho tinh thần sảng khoái để trở lại công việc một cách tỉnh táo hơn. Tuy nhiên, tác dụng đó chỉ có được từ một giấc ngủ khoa học với tư thế nằm ngủ thoải mái, thư giãn. Với dân văn phòng, nhiều người sau khi ngủ dậy, thay vì sảng khoái lại cảm thấy mệt mỏi hơn. Nguyên nhân là do ngủ sai tư thế.
Ngủ ở văn phòng, nhiều người thường chỉ gục xuống bàn, dựa vào ghế, ngả ra sau, hoặc lại nằm còng queo trên bàn... Những tư thế này không phải tư thế ngủ đúng. Cách nằm vặn vẹo, không thoải mái sẽ dẫn đến căng cơ, gây đau mỏi cổ, vai, đau lưng, thậm chí tê bì các cơ do bị chèn ép, máu lưu thông không tốt. Điều đáng nói, tình trạng này kéo dài thường xuyên có thể gây các bệnh mạn tính về cơ, xương, khớp.
Đặc biệt, khi ngủ dậy thấy đau mỏi người, nhiều người lại thực hiện các động tác xoay vặn. Đây là một sai lầm lớn, khiến cho việc đau mỏi còn trầm trọng hơn, nhất là khi đau cổ, việc cố xoay cổ chẳng những không giảm được cơn đau mà còn gây phản xạ co thắt cơ, khiến cổ cứng hơn. Tốt nhất để phòng ngừa chứng đau mỏi sau khi ngủ, dân công sở nên lựa chọn tư thế ngủ, nơi ngủ sao cho chân tay được thả lỏng để cơ bắp nghỉ ngơi như nằm ở ghế dài hoặc có thể là chiếu trải xuống sàn nhà (khi ngủ dậy có thể gập gọn lại cất đi)... Khi thức dậy nếu cơ thể bị đau mỏi, tê bì thì chỉ nên xoa bóp, nắn nhẹ nhàng giúp làm mềm cơ, giải tỏa sự chèn ép.
|
Ảnh minh họa. |
Đảm bảo giấc ngủ "sạch"
ThS Nguyễn Trinh Hương, chuyên gia tư vấn, Trung tâm Môi trường và Phát triển Cộng đồng cho biết, không khí trong văn phòng rất dễ bị ô nhiễm do tiếng ồn của máy móc hoạt động, khí thở của con người, chất ô nhiễm phát ra từ rèm thảm, các chất tẩy rửa... Khi ngủ, hoạt động của các cơ quan ít nên không cần nhiều dưỡng khí, tuy nhiên dưỡng khí phải có chất lượng tốt.
Trong các văn phòng kín bí, chật chội, thiếu dưỡng khí và lại bị ô nhiễm sẽ khiến cơ thể mỏi mệt hơn khi ngủ. Vì vậy, văn phòng làm việc phải "sạch". Tốt nhất văn phòng nên có giải pháp thông gió tốt, thường xuyên vệ sinh, thi thoảng mở cửa để có gió tươi vào phòng... nhằm góp phần làm sạch không khí văn phòng phục vụ quá trình làm việc, trong đó có giấc ngủ trưa.
Theo các chuyên gia, ngủ ở văn phòng, ngoài chọn tư thế thì cần tránh ngủ cạnh nơi có các thiết bị máy móc hoạt động, tắt các bóng đèn không cần thiết hoặc kéo rèm cửa sổ để hạn chế ánh sáng... đặc biệt chỗ ngủ trưa cũng cần được vệ sinh sạch sẽ. Thực tế, không ngủ gục ở bàn ghế, một số người thường chọn những nơi "xó xỉnh" như gầm bàn, xó phòng bởi nó ít ánh sáng, yên tĩnh, tuy nhiên những chỗ này nếu không được vệ sinh sạch sẽ khiến cho người ngủ có nguy cơ hít phải các vi sinh vật vốn có rất nhiều trong văn phòng.
Ở văn phòng, để đảm bảo giấc ngủ ngon nhiều người còn dùng cả gối. Tuy nhiên, việc sử dụng gối ngủ cũng cần chú ý, không nên mang đến văn phòng những chiếc gối to, dầy, vừa để dựa lưng lại vừa dùng gối đầu khi ngủ; cũng nên bỏ thói quen vơ tạm mấy tờ báo hay quyển sách để kê làm gối. Tốt nhất hãy chọn cho mình một cái gối mềm vừa phải, không quá cao để cổ bị gập lại; hãy gối sâu về phía gáy khi nằm ngửa để đầu có thể ngả ra sau khoảng 15o.
BS Đào Bá Vy
Huy Khánh