Mùa hè do thời tiết nắng nóng nên trẻ nhỏ thường được thả chơi tự do hơn là bế bồng, ôm ấp. Trẻ lớn sau những ngày học vất vả nên nghỉ hè cũng được nhiều bố mẹ "thả rông" cho chạy nhảy, lê la, nghịch bẩn. Các chuyên gia cho biết, chuyện cho trẻ đi chân đất 2 tiếng mỗi ngày hay việc chơi đùa với đất, cát, sỏi... là tốt, nhưng cần phải thực hiện đúng cách, nếu không dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn từ môi trường.
Mỗi ngày nên đi đất 2 tiếng
TS Trương Thị Kim Oanh, nguyên cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc, Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết, không ít bậc phụ huynh, nhất là các bậc phụ huynh ở thành phố không muốn cho các con đi chân đất, nghịch đất, cát... vì sợ bẩn. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chứng minh, việc cho trẻ đi chân đất mỗi ngày 2 tiếng là tốt. Đây là cách để trẻ tiếp xúc với môi trường tự nhiên, đặc biệt để "âm - dương" hòa hợp. Việc chạy nhảy, chơi đùa với đất, cát... sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng, hiểu biết về thiên nhiên, thậm chí còn giúp trẻ học được những bài học về cuộc sống.
Ví dụ, việc cho trẻ chơi với những viên sỏi, đây là cách để trẻ tiếp xúc với những trò chơi như chơi đếm sỏi, chơi ô ăn quan, đồng thời cũng là cách để trẻ học về đếm số, về nhận dạng hình tròn, hình vuông... "Thay vì sợ bẩn, sợ lem luốc và bó buộc trẻ trong nhà với máy tính, điện thoại và các trò chơi trí tuệ, các bậc phụ huynh hãy để con được vui chơi, đùa nghịch và giao tiếp với thiên nhiên. Đây là cách để trẻ tự mình cảm nhận và khám phá cuộc sống theo cách riêng", TS Trương Thị Kim Oanh khẳng định.
Đồng quan điểm, ThS.BS Trương Ngọc Dương, chuyên khoa nhi, Học viện Quân y 103 cũng khẳng định, việc để trẻ "lem luốc" một chút không những không gây hại mà còn giúp tăng cường sức đề kháng, điều này thấy rất rõ ở trẻ em vùng nông thôn, nơi trẻ nhỏ thường xuyên đi chân đất chạy nhảy khắp nơi rồi nặn đất, nghịch cát... mà vẫn khoẻ, thậm chí là còn khoẻ hơn so với trẻ em thành phố, nơi trẻ lúc nào cũng được bố mẹ giữ gìn sạch sẽ.
|
Việc cho trẻ đi chân đất mỗi ngày 2 tiếng là tốt. |
Cần đúng cách
Bên cạnh việc khẳng định chuyện sạch sẽ thái quá có thể gây ra tác dụng ngược và việc để trẻ chạy nhảy, nô đùa, nghịch ngợm ở ngoài trời là tốt, ThS.BS Trương Ngọc Dương cũng cảnh báo, việc cho trẻ nghịch bẩn cần phải thực hiện đúng cách, có sự nhắc nhở, giám sát của người lớn, để tránh việc nhiễm khuẩn từ môi trường, đặc biệt là vào mùa hè thời điểm thuận lợi cho sự phát triển của nhiều bệnh do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng gây ra.
TS Trương Thị Kim Oanh cho rằng, cần phải giáo dục cho trẻ ý thức giữ vệ sinh an toàn trong cả khi chơi lẫn sau khi kết thúc. Cha mẹ cần phải giảng giải để trẻ hiểu trong lúc chơi không được cho tay bẩn vào miệng, lau mặt, dụi mắt, khi kết thúc chơi thì phải rửa tay sạch sẽ... Việc rửa tay sau khi chơi là việc làm hết sức quan trọng bởi vi khuẩn từ tay có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua nhiều đường khác nhau như cho tay vào miệng, dùng tay bốc đồ ăn, dụi mắt, ngoáy mũi...
TS Trương Thị Kim Oanh lấy ví dụ, khi cho trẻ chơi đùa với đất, cát, sỏi, cha mẹ nên cắt móng tay và móng chân cho trẻ sạch sẽ, trước khi chơi cần giúp trẻ tìm hiểu về trò chơi cũng như nghiêm cấm trẻ không được bỏ những thứ đó vào miệng, không được tung đất, cát lên trời vì chúng có thể bay vào mắt, vào miệng... sau khi chơi xong thì rửa tay sạch với xà phòng. Đối với trẻ nhỏ, khi cho trẻ chơi bẩn nhất thiết phải có sự giám sát của người lớn.
"Có nhiều cách để trẻ được chơi đùa thoải mái nhưng cha mẹ cần phải kiểm soát được tính an toàn khi cho con vui chơi. Ví dụ, trước khi cho trẻ "lê la" dưới sàn nhà, cha mẹ cần phải vệ sinh sạch sàn nhà. Trước khi cho trẻ vui đùa cùng đồ chơi, cha mẹ cũng cần đảm bảo đồ chơi đã được lau rửa sạch...".
TS Trương Thị Kim Oanh
Huy Khánh