Đột quỵ nhồi máu não cấp
Tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam, tôi gặp bệnh nhân Phạm Thị Hòa, sinh năm 1943, Hà Đông, Hà Nội đang phấn khởi sắp đồ đạc để về nhà sau những ngày nằm viện điều trị. Bà Hòa được gia đình đưa vào viện thăm khám với lý do là yếu 2 chân khoảng 1 năm nay, đi lại nặng nề, chậm chạp. Bà nghĩ mình tuổi cao nên có biểu hiện như vậy, cũng chẳng thăm khám điều trị ở đâu.
Lần vào viện này bà có biểu hiện 2 chi dưới yếu tăng lên, đi run, khó bước, tinh thần chậm, quên nhiều, phù mặt, hoa mắt chóng mặt nhiều khi thay đổi tư thế, tiểu nhiều lần, tiểu són không tự chủ, hồi hộp kèm theo đánh chống ngực. Khi bác sĩ thăm khám thì thấy huyết áp không ổn định, dao động từ 110/70 mmHg - 150/90mmHg, phát hiện bà Hòa có biểu hiện liệt nửa người trái, liệt mặt trung ương phải và được chẩn đoán là nhồi máu não cấp ngày thứ 2 trên bệnh nhân có tăng huyết áp không ổn định, phù chưa rõ nguyên nhân.
Ngay lập tức, bệnh nhân Hòa được nhập viện điều trị kết hợp Đông - Tây y. Về Tây y, các bác sĩ cho bệnh nhân dùng thuốc hướng thần kinh, tăng dẫn truyền thần kinh, cải thiện tuần hoàn não, các thuốc chống đông, các thuốc tăng cường bền vững thành mạch. Về điều trị Đông y, các bác sĩ đã cho bệnh nhân dùng bài thuốc gồm các vị: Xích thược, hoàng kỳ, sinh điạ, xuyên khung, đào nhân, hồng hoa, quế chi, tâm sen, liên hợp, kết hợp các vị lợi niệu như rễ cỏ tranh, trạch tả. Sau 3 ngày nằm viện, bệnh nhân tiến triển rõ ràng, đi lại nhanh nhẹn. Bệnh nhân Hòa được điều trị 2 tuần thì xuất viện, huyết áp ổn định, mọi sinh hoạt, vận động tốt.
|
TS.BS Lê Thị Thanh Nhạn thăm khám cho bà Hòa trước khi xuất viện. |
Ích khí kiện tỳ
Trao đổi về trường hợp của bệnh nhân Hòa, TS.BS Lê Thị Thanh Nhạn, người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân chia sẻ, đây là trường hợp bệnh nhân huyết áp không ổn định nên hoàn toàn sử dụng các thuốc y học cổ truyền để ổn định huyết áp. Bệnh nhân này thuộc dạng đột quỵ nhồi máu não cấp được chẩn đoán và điều trị kịp thời nên không để lại di chứng đáng tiếc. Đột quỵ não bao gồm xuất huyết não và đột quỵ nhồi máu não. Trong đó, 75% là đột quỵ nhồi máu não.
Đột quỵ xuất huyết não thường nặng nề, tỷ lệ hôn mê sâu và tử vong cao. Còn đột qụy nhồi máu não thường để lại các di chứng liệt nửa người, mất vận động suốt đời, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống. Đối với y học cổ truyền điều trị liệt do tai biến mạch máu não phần lớn là dùng phương pháp ích khí, kiện tỳ, bổ thận, thông kinh mạch, hóa ứ, thu được kết quả tốt trong điều trị.
Để phòng đột quỵ tái phát, tránh liệt, điều đầu tiên người bệnh cần ổn định huyết áp, tránh thực phẩm giàu mỡ từ động vật, thịt đỏ, thay vào đó là dùng cá nhiều hơn thịt. Mặt khác, người bệnh cần vận động nhẹ nhàng, tránh ra đường vào lúc nắng nóng, hay dùng điều hòa nhiệt độ quá thấp cũng không tốt. Trong điều trị bằng y học cổ truyền cần kiên trì, hằng ngày nên xoa bóp nhẹ nhàng các huyệt ở 10 đầu ngón tay.
Lương y Lê Xuân Hải (Phó Chủ tịch Hội Đông y quận Đống Đa, Hà Nội)
Phạm Hằng