Đối phó với những vết loét miệng gây nhức nhối

Google News

(Kiến Thức) - Những vết loét sẽ gây đau đớn trong 1-2 tuần, thậm chí có thể dẫn đến áp-xe vùng miệng sâu, viêm tấy lan tỏa hay gặp ở những vùng dưới lưỡi, dưới hàm với những cơn đau dữ dội rất khổ sở. 

Loét miệng, nhiệt miệng là bệnh xoang miệng thường gặp trẻ nhỏ và cả người lớn. Với trẻ nhỏ bị viêm loét miệng, nhiệt miệng do thai vốn vị nhiệt, bị nhiệt độc xâm nhập, hoặc bẩm sinh cơ thể không đủ chất dinh dưỡng, cũng có thể do mắc một số bệnh truyền nhiễm cấp tính v.v....
Với người lớn nhiệt miệng bắt nguồn từ bệnh răng miệng như Sâu răng, viêm quanh răng, tủy răng, miệng nhiễm vi khuẩn, virus. Nhiệt miệng cũng có thể do tác động bên ngoài làm trầy xước niêm mạc đánh răng bằng bàn chải cứng, răng sắc, niềng răng, hay stress.
 
Các vết loét miệng có thể phát sinh bất kỳ bộ vị nào ở niêm mạc xoang miệng, đặc biệt hay phát ở môi, niêm mạc trong má, tiếp theo là rìa lưỡi và đầu lưỡi, vết loét có hình tròn hoặc hình bầu dục, đường kính khoảng 0,6 đến 1,5 mm, bề mặt vết loét có sắc trắng vàng hoặc sắc xám, 1~ 3 vết loét, có cảm giác bỏng đau, ăn phải thức ăn kích thích thì đau thêm.
Những vết loét sẽ gây đau đớn trong 1-2 tuần, thậm chí có thể dẫn đến áp-xe vùng miệng sâu, viêm tấy lan tỏa hay gặp ở những vùng dưới lưỡi, dưới hàm với những cơn đau dữ dội rất khổ sở.
Đông y chia làm hai thể tỳ vị và kinh tâm có nhiệt hoặc âm hư hỏa vượng mà có phép trị khác nhau.
Tâm tỳ tích nhiệt: Miệng lưỡi lở loét, ít nhất cũng 4~ 5 vết lở, xung quanh đỏ, đau không muốn ăn, miệng hôi chảy nước dãi, phiền táo khóc nhiều, đại tiện khô kết, hoặc phát sốt mặt đỏ. Để trị khỏi viêm loét miệng do tâm tì tích nhiệt nên thanh nhiệt giải độc.
Bài 1: Hoàng cầm 8g, liên kiều 10g, chi tử 8g, mang tiêu 8g, trúc diệp 8g, bạc hà 5g, cam thảo 3g, sinh địa 8g, mộc thông 6g. Cách dùng: Sắc phân 2 lần uống, mỗi ngày 1 thang.
Bài 2: Trúc diệp non, đường phèn 60g, gạo tẻ 60g. Cách dùng: Lấy Trúc diệp rửa sạch, thêm nước 1 lít sắc lấy nước, vớt bỏ lá tre, thêm vào gạo tẻ và đường phèn nấu thành cháo ăn.
Bài 3: Liên tử tâm 6g, cam thảo 3g, địa đinh 9g. Cách dùng: Sau khi sắc thuốc trên xong, thêm chút đường. Mỗi ngày uống 1 lần, uống liền 3 ~ 5 ngày.
Bài 4: Đại thanh diệp 12g, sinh địa thạch cao 12g, lô căn 12g, huyển sâm 8g, xích thược 8g, đơn bì 8g, sanh cam thảo 2g. Mỗi ngày uống 1 thang, phân 3 lần uống.
 
Nguyên nhân thứ 2 là do hư hỏa thượng phù: Miệng lưỡi loét lở, rải rác sắc nhạt, không đau lắm, miệng chảy nước dãi trong, gò má đỏ, đổ mồ hôi trộm. Để trị nên tư âm giáng hỏa bằng những bài thuốc sau:
Bài 1: Tri mẩu 6g, hoàng bá 8g, sơn thù nhục 6g, sơn chi tử 6g, đơn bì 6g, trạch tả 10g, mạch đông 10g, sinh địa 10g, đơn bì 10g, trúc diệp 8g, mộc thông 8g, cam thảo 3g. Cách dùng: Sắc phân 2 lần uống, mỗi ngày 1 thang.
Bài 2: Sinh địa 9g, liên tử tâm 6g, cam thảo 6g. Cách dùng: Sắc nước uống, mỗi ngày 1 thang, uống liền vài thang.
Bài 3: Thái tử sâm 3g, mạch đông 3g, sanh cam thảo 2g, huyền sâm 3g, ngân hoa 1,5g. Cách dùng: Lấy thuốc trên pha trà uống, hết mùi vị là được, mỗi ngày 1 thang.
Bài 4: Sinh địa 6g, đại thanh diệp 6g, sanh thạch cao 9g, hoa phấn 9g, gạo tẻ 30g. Cách dùng: Bốn vị trước sắc nước bỏ bã, cho vào gạo tẻ, đường trắng nấu cháo ăn, mỗi ngày 1 thang, uống liền 3~ 4 ngày.
Bài 5: Thanh đại, ngũ bội, băng phiến theo tỷ lệ 5:3:1 tất cả nghiền mịn. Lấy một ít thuốc bột thoa vào vết loét, hoặc trộn dầu mè thành dạng hồ thoa vào chổ bệnh 1 ngày 3 lần, dùng 3~ 10 ngày.
Lời khuyên:
Giữ gìn vệ sinh xoang miệng, chú ý vệ sinh ăn uống, dụng cụ ăn uống nên vệ sinh tiệt trùng.
Ăn uống nên thanh đạm, nên ăn thức ăn lỏng, mềm, tránh thức ăn thô cứng. Thức ăn nên tươi mới, vệ sinh, không ăn thức ăn cay nóng kích thích, nướng, chiên xào dầu mỡ.
Niêm mạc xoang miệng trẻ sơ sinh non mỏng, lúc vệ sinh xoang miệng, không nên dùng vải thô cứng lau miệng, động tác phải nhẹ nhàng để tránh tổn thương niêm mạc xoang miệng.
Lương y Trần Hoàng Bảo