Dùng lăn khử mùi có thể bị ung thư vú?

Google News

(Kiến Thức) - Việc dùng lăn khử mùi loại ngăn tiết mồ hôi được cho là liên quan đến ung thư vú, do muối nhôm trong sản phẩm dễ dàng đi vào vùng ngực.

Vào mùa hè, vùng nách có thể ra nhiều mồ hôi và gây mùi khó chịu cho nhiều người. Vì thế, lăn khử mùi được xem là cứu cánh, vật không thể bỏ qua của nhiều anh, chị em. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc dùng lăn khử mùi cũng cần được cân nhắc để tránh những ảnh hưởng nhất định đến sức khoẻ. 
Chọn lựa ngăn mùi hay mồ hôi?
Chị Đỗ Anh Thư là một người nghiên cứu về mỹ phẩm và đồng tác giả cuốn sách “Tự làm mỹ phẩm” cho biết, ammonia là “thủ phạm” gây mùi hôi ở cơ thể người. Cùng với sự bài tiết mồ hôi, cơ thể thải ra ammonia và đồng thời chuyển hóa chất này thành urea (không mùi). Trong một số trường hợp, cơ thể thải ra quá nhiều mồ hôi và không kịp chuyển hóa hết ammonia, khi đó sẽ sinh ra mùi cơ thể. Ngoài ra, vi khuẩn gây mùi cũng chuyển lại urea về ammonia. Vi khuẩn này trú ngụ nhiều ở vùng nách và vùng kín.
Hiện các loại lăn nách trên thị trường chủ yếu là loại deodorant (khử mùi) và antiperspirant (ức chế thoát mồ hôi). Cơ chế của khử mùi là chuyển hóa ammonia thành một chất khác không có mùi, hoặc/và sử dụng một hương liệu có chức năng át mùi cơ thể. Cơ chế của ngăn mồ hôi là sử dụng một số loại muối nhôm (như aluminum chlorohydrate hoặc aluminum zirconium), khi kết hợp với một số chất trong mồ hôi sẽ tạo nên một nút bít ống thoát mồ hôi, từ đó ngăn việc bài tiết mồ hôi tạm thời.
Tùy vào cơ địa mỗi người, các sản phẩm sẽ được lựa chọn khác nhau. Với người ra mồ hôi nhiều, đặc biệt ở vùng nách, thì loại lăn nách antiperspirant giúp hạn chế được nhiều phiền toái. Chị Đỗ Anh Thư cũng chia sẻ, bài tiết mồ hôi là một hoạt động bình thường và có lợi cho sức khoẻ nên chị không sử dụng các loại lăn nách ức chế mồ hôi.
Dung lan khu mui co the bi ung thu vu?
 
Cẩn trọng chất độc trong lăn nách công nghiệp
Ở trong một góc độ khác, TS Randy Stevens, Giám đốc Cơ quan Bức xạ ung thư tại Bệnh viện White Plains (Mỹ) cho biết, một vài nghiên cứu đã chỉ ra nhôm/muối nhôm trong chất chống mồ hôi có thể được hấp thụ qua da. Các nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra giả thuyết rằng, chất chống mồ hôi có liên quan đến ung thư vú vì chúng được áp dụng cho một khu vực gần vú. 
Đặc biệt, với phụ nữ, việc họ cạo hoặc nhổ lông nách tạo ra những vết thương khiến muối nhôm dễ dàng đi vào vùng ngực nhiều hơn. Nhôm/muối nhôm được cho có liên quan đến ung thư vú khi nhiều phụ nữ ung thư vú đã được các nhà khoa học phát hiện hàm lượng nhôm trong dịch tiết từ núm vú cao hơn đáng kể khi so sánh với nhóm đối chứng, gồm những người khoẻ mạnh, không bị ung thư vú. Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác đã phát hiện ra nhôm có thể làm tăng sự lây lan của tế bào ung thư vú, kéo theo sự gia tăng của tỷ lệ tử vong, liên quan tới bệnh thiếu máu, chứng nhuyễn xương, các bệnh về suy thoái thần kinh (Alzheimer).
Ngoài ra, trong các loại lăn khử mùi thông thường cũng chứa paraben (các loại chất bảo quản được sử dụng nhiều trong các mỹ phẩm) khiến các nhà khoa học xác định rõ hơn về nguy cơ liên quan đến bệnh ung thư vú và suy giảm nội tiết tố nữ.
Theo các chuyên gia, cần cân nhắc khi sử dụng lăn khử mùi một cách hợp lý, tránh lạm dụng hằng ngày để ngăn ngừa mồ hôi và mùi hôi. Bên cạnh đó, cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ nhằm loại bỏ vi khuẩn, giảm lượng mồ hôi tích tụ trên cơ thể. 
Chị Đỗ Anh Thư khuyên người dùng có thể sử dụng sản phẩm ngăn mùi có chứa chất Saccharomyces Ferment. Đây là một enzym có khả năng chuyển hóa ammonia thành axit amin không mùi. Hoặc sử dụng than hoạt tính dưới dạng bột để vệ sinh cơ thể như pha với nước để đắp lên vùng da dễ bị mồ hôi và mùi, hoặc để và cùng sữa tắm…
Hiền Dung