Nguyên liệu: Gà một con nặng 300 - 500g, hạt sen 15g, khởi tử 15g, nghệ tươi 20g, ngải cứu tươi 20g, đương quy 3g, đậu đen 30g, gia vị và nước vừa đủ. Gà làm sạch bỏ lông và nội tạng, các nguyên liệu trên sơ chế sạch, cho vào bụng gà dùng dây buộc kín bụng gà lại đem hầm cách thủy 1 - 2 tiếng đến khi tất cả chín nhừ là được. Đem ra ăn trong ngày có thể ăn liên tục 10 - 15 ngày.
Bài thuốc có tác dụng tư bổ can thận, dưỡng âm ích khí, bổ tinh tủy. Thích dụng cho người già yếu, người thể chất suy nhược, các trường hợp gầy yếu sút cân, suy kiệt, ăn kém, tiêu chảy, lỵ, phù nề, tiểu rắt, di niệu, nóng âm ỉ trong xương (cốt chưng), người thiếu máu, phụ nữ sau sinh đẻ, người mới ốm dậy, rong kinh, rong huyết, khí hư đới hạ, thống kinh, nam giới di hoạt tinh... Có thể dùng cho phụ nữ mang thai, người tăng huyết áp hoặc huyết áp thấp...
Theo Đông y, thịt gà vị ngọt, tính ôn, có tác dụng bổ can thận, ôn trung ích khí, bổ tinh tủy, tư âm, dưỡng huyết, thoái nhiệt... Do vậy, thịt gà thích dụng cho những người bệnh trên.
Dưới nhãn quan của y dược học hiện đại, thịt gà giàu protein, có tới 18 loại axit amin cùng nhiều vitamin các loại A, B1, B2, E, PP... các nguyên tố vi lượng như K, Na, Ca... nên có vai trò rất lớn trong tăng cường sức đề kháng, phòng chống mệt mỏi, cải thiện công năng miễn dịch, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống võng mạc nội mô, tăng cường khả năng chống lại bệnh tật của cơ thể...
Ngoài ra, hạt sen có tác dụng kiện tỳ dưỡng vị, an thần định chí, ích tỳ, sáp trường, cố tinh... Dùng tỳ vị suy nhược, tâm thần bất an, suy nhược thần kinh, mất ngủ, tỳ hư tiết tả, lỵ, lâu ngày, di tinh, bạch đới...
Khởi tử vị ngọt, tính bình, có tác dụng tư bổ can thận, dưỡng huyết, sáng mắt, nhuận phế dùng chữa các chứng can thận âm hư như hoa mắt, chóng mặt, suy giảm thính thị lực, lưng đau, gối mỏi, di tinh, liệt dương, bốc hỏa ở thời kỳ tiền mãn kinh...
Nghệ có vị cay đắng, tính ôn, quy kinh can tỳ, có tác dụng phá huyết ứ trệ hành khí, khai thông kinh mạch chỉ thống. Chủ trị chứng sườn đau, kinh bế, bụng đau, bế kinh, ngực sườn đầy tức, phong thấp, sang ung... Ngải cứu có vị đắng, cay, tính hơi ấm có tác dụng điều hòa khí huyết, trừ hàn thấp, an thai, cầm máu... Thường dùng trong các chứng khí huyết hư suy ứ trệ, thiếu máu, rong bế kinh, viêm khớp, an thai... Đương quy là loại thảo dược vị cay, hơi ngọt, đắng, thơm, tính ấm. Quy vào ba kinh tâm, can và tỳ. Có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, nhuận táo, hoạt trường. Thường dùng trị kinh nguyệt không đều, đau bụng, chấn thương, ứ huyết, tê nhức, huyết hư, sinh cơ nhục, đại tiện bí... Ðậu đen vị ngọt nhạt, tính mát, dưỡng huyết, bổ can thận, thanh nhiệt, giải độc, hạ khí, lợi tiểu. Dùng trị phong nhiệt, làm thuốc bổ khí, chữa can thận hư yếu, suy nhược, thiếu máu...
Không dùng bài thuốc này cho người tăng urê huyết, hôn mê gan (do bài thuốc có hàm lượng protein cao). Cho thêm vài lát gừng ở người đầy bụng khó tiêu, để kích thích tiêu hóa. Người cốt chưng thì gia đậu đen gấp đôi.
Lương y Chu Văn Tiến (Hội Đông y Vĩnh Tường)