Từ đầu năm 2015 đến nay, người dân ở Cát Lái, Mỹ Lợi, TP HCM vô cùng hoang mang lo sợ trước hiện tượng sau khi lội ruộng các ngón chân đen như dính mực Tàu, ngứa ngáy rất khó chịu. Những vết đen trên chân dù dùng xà bông, chanh tươi… chà mạnh cũng không ra mà vẫn bám rất chặt.
|
Bàn chân người đân biến màu đèn xì, rửa không sạch sau lội ruộng. Ảnh: Phapluattp |
Lý giải về hiện tượng bất thường trên GS. Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký các Hội sinh học Việt Nam, khẳng định: "Trong bùn đất bình thường, không bao giờ xảy ra hiện tượng đen chân bất thường như trên, hay gây hại cho bà con nông dân. Hiện tượng bàn chân của người dân đen xì, sau khi lội ruộng, là do những tác nhân khác từ môi trường gây ra".
Theo GS. TS Nguyễn Lân Hùng, trong bùn đen ở các vùng ruộng đất có thể bị ô nhiễm bởi nguồn nước, ô nhiễm hóa chất dẫn tới những phản ứng hóa học và gây dị ứng trên da. Ngoài ra, trong bùn đen đặc biệt có chứa rất nhiều chất hữu cơ, những chất hữu cơ có thành phân vi sinh phân giải trong môi trường yếm khí cũng có thể gây ra hiện tượng trên".
Còn PGS.TS Mai Thành Phụng, Trưởng Bộ phận Thường trực phía Nam - Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: "Việc người dân bị chân đen xì rửa không trôi ở Cát Lái, Mỹ Lợi nguyên nhân chính có thể do ô nhiễm chất độc trong đất và nguồn nước dẫn tới tình trạng trên".
Theo PGS.TS Mai Thành Phụng, chất độc có thể ngấm vào đất, nước môi trường nơi đó do các chất thải công nghiệp thải ra môi trường hoặc do chính các loại hóa chất phụ gia nông nghiệp mà người dân sử dụng.
Ông Phụng cũng cho rằng, theo thông tin người dân cung cấp, thì gần khu vực ruộng của họ có một số nhà máy sản xuất vì thế hoặc toàn có thể nghi ngờ nguyên nhân khiến người dân gặp hiện tượng chân đen xì sau khi lội ruộng là do nhà máy thải chất thải có độc tố ra môi trường gây ra. Trong các chất thải của sản xuất công nghiệp, có chứa nhiều chất độc, cả thành phần vi sinh, sút, các chất kim loại nặng sau khi thải ra sẽ ngấm vào đất và có trong nước gây phản ứng trên da khiến da đổi màu, hoặc gây dị ứng da khi tiếp xúc phải.
|
GS. TS Nguyễn Lân Hùng, trong bùn đen ở các vùng ruộng đất có thể bị ô nhiễm bởi nguồn nước, ô nhiễm hóa chất dẫn tới những phản ứng hóa học và gây dị ứng trên da. Ảnh: Đoàn TNCS HCM. |
Còn với các chất phụ gia nông nghiệp có thể là thuốc diệt cỏ, các loại chất hữu cơ, phân hóa học, hóa chất có chứa kim loại nặng, các loại phân vi sinh và một số hóa chất khác do người dân bón ruộng hoặc làm sạch đất nhưng gây ra ô nhiễm nguồn nước và bùn đất dẫn tới tình trạng trên.
"Ở vùng Đồng Nai người dân thường hay sử dụng nhiều những loại phân bón, hóa chất chứa thành phần vi sinh và dùng nhiều thuốc diệt cỏ nên thường bị những phản ứng, dị ứng bất thường khi tiếp xúc với nguồn nước và bùn đất. Tuy nhiên, để làm rõ nguyên nhân chính xác nhất gây ra hiện tượng cần có những khảo sát, xét nghiệm và nghiên cứu thực tế. Chỉ có thể mới tìm ra được các xử lý tình trạng trên đúng nhất", PGS.TS Mai Thành Phụng nói.
Cũng theo PGS Phụng, như thông tin mà người dân cung cấp thì gần khu vực ruộng đó có một số nhà máy, ngoài ra trong nước ruộng có nhiều đám rêu xanh trơn như dính nhớt, trời mát thì rêu nhớt xanh nằm dưới nước nhưng khi nắng nóng chúng nổi lều bều gây ngứa... thì vùng ruộng đất ở đó đang bị ô nhiễm nặng.
Thu Nguyên