Góc khuất khủng khiếp ở các trung tâm cai nghiện tư nhân

Google News

Tên chủ trại đánh các cô gái hoặc dùng thảm cuộn những người đàn ông như bánh thịt chiên giòn, treo lên cao đến hàng giờ.

“Họ túm lấy tôi và bắt lại khi phát hiện tôi đang chạy trốn trên đường phố”, Marcos, một thanh niên nghiện hút ma túy, có tóc húi cua và thân hình lực lưỡng, nhưng cũng không thoát khỏi sự “săn bắt” của một nhóm người thuộc trung tâm cai nghiện tư nhân tại Thủ đô Guatemala, nói. Một “con nghiện” như Marcos có gì mà khiến nhóm người này săn đuổi đến như vậy?
“Nơi ấy còn đáng sợ hơn cả khi đói thuốc”!
Theo lời Marcos, nhóm người bắt giữ anh là người của Trung tâm Cai nghiện Rescatados del Abismo. Họ muốn kiếm một khoản tiền kha khá từ gia đình Marcos vì có công “đánh bật con ma túy ra khỏi người nghiện”. Tuy nhiên không biết lý do vì sao dù Marcos đã ở trung tâm này một tháng rưỡi mà người thân của anh vẫn không hề hay tin. Một thời gian ngắn sau đó, may mắn, một người bạn của Marcos đến trung tâm cai nghiện và yêu cầu họ thả anh ra.
Đối với Marcos, những ngày bị giam nhốt trong khu trại cai nghiện là quãng thời gian đáng sợ hơn cả khi đói thuốc. Marcos từng chứng kiến nhiều cảnh tượng khủng khiếp ở nơi đây. Tên chủ trại đánh các cô gái hoặc dùng thảm cuộn những người đàn ông như những bánh thịt chiên giòn, treo lên cao và cứ để như vậy đến hàng giờ.
Các trung tâm cai nghiện tư nhân tại Thủ đô Guatemala dùng hành vi bạo lực rất đáng sợ.
Người thành lập và điều hành Trung tâm Cai nghiện Rescatados del Abismo là Pablo Marroquin - con trai của trùm ma túy khét tiếng Pablo Escobar (đã chết). Trung tâm này nằm tách biệt cách xa khu dân cư. Bản thân Marroquin hiện đang sống cùng gia đình ở tầng trệt nhớp nháp của một tòa nhà. 
Ở tầng trên, 50 người nghiện ma túy đang điều trị sau cánh cửa luôn khóa chặt. Nhiều người trong số họ không được rời khỏi phòng từ 3 tháng đến vài năm. Chỉ những người có nhiệm vụ mới có thể lui tới đây. Căn biệt giam chật chội với một phòng tắm tập thể. Hầu hết con nghiện đều phải ngủ dưới sàn ẩm ướt. 
Trung tâm cũng có một khu dành riêng cho phụ nữ ngủ, nhưng nó quá chật hẹp, thông thường chỉ có thể chứa tối đa khoảng 6 người. Ấy thế mà, hàng chục phụ nữ vẫn ngày ngày bị nhồi nhét, chen chúc, nằm chồng lấn lên nhau.
Người quản lý trại là Carlos, một người từng vào trại Rescatados del Abismo tới hơn 30 lần để cai rượu và cocaine. Là một cựu học viên nên Carlos áp đặt những quy tắc kỷ luật và trừng phạt tại đây bằng bạo lực rất dã man. Ông ta bắt các học viên phải lau sạch sàn trại hoặc làm việc xuyên đêm. 
Một trong những liệu pháp khác là tất cả học viên sẽ dành 7 giờ để kể lại những câu chuyện của bản thân, nhấn mạnh đến con đường khiến họ sa vào nghiện ngập. Những lúc đó, họ phải ngồi trong căn phòng tối, với những tấm nhựa dày bịt kín tất cả các cửa sổ.
Trại cai nghiện không có bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý. Không ai được phép ra ngoài nếu không có sự đồng ý của Ban quản trại. Khi con nghiện lên cơn, có hành vi bạo lực, các nhân viên của trại sẽ sử dụng còng tay - đây là hành vi được coi là hợp pháp ở Guatemala.
Bạo lực không thể thức tỉnh một người nghiện
Tính tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có tài liệu chính thức nào nhắc tới tỷ lệ phục hồi chức năng thành công của người nghiện trong những trung tâm cai nghiện tư nhân (chủ yếu sử dụng phương pháp bạo lực, đầy ải) như ở Guatemala.
Năm 2012, Liên hợp quốc đã ban hành một tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt các trung tâm phục hồi chức năng và giam giữ người nghiện bắt buộc. Họ yêu cầu sự tự nguyện và cách tiếp cận dựa trên sự đồng ý.
Nhưng điều đó đã không ngăn cản được sự phát triển của các trung tâm phục hồi chức năng tư nhân ở Guatemala khi mà thiếu vắng các trung tâm của Nhà nước. Guatemala là điểm nóng về nạn buôn lậu ma túy tại Trung Mỹ, phần lớn ma túy từ Nam Mỹ sẽ đổ vào đây. Điều này khiến cho tỷ lệ người nghiện ma túy ở Guatemala rất cao. 
Những con nghiện ở Guatemala có thể bị bắt vào trại cai nghiện bất cứ lúc nào. Theo Tiến sĩ Kevin O’Neill của Đại học Toronto tại Canada, khoảng 6.000 người sống trong 200 trung tâm cai nghiện ở Guatemala. Không ai biết chính xác số người bị bắt vào đây theo cách tương tự như Marcos.
Trong một trung tâm, một danh sách 35 quy tắc và hình phạt kèm theo được gắn trên tường. Nếu làm sai một trong 35 quy tắc đó sẽ bị phạt đứng lên ngồi xuống 3.500 lần, dọn nhà tắm trong 8 ngày và trực ca không nghỉ suốt 3 ngày. Thậm chí, có người từng phải chịu đựng sự đánh đập, hành hạ.
Tại Ecuador, năm 2013 có ít nhất 80 trung tâm cai nghiện bắt buộc hoạt động không có giấy phép. Những trung tâm này thường ẩn dưới vỏ bọc của “phòng khám chữa bệnh”. Các “phòng khám chữa bệnh” này thường sử dụng phương pháp chích điện, sốc điện đối với người bị nghiện.
Tuy nhiên, những người ủng hộ những trung tâm cai nghiện như thế này nói rằng: “Nếu nó ở đó, chúng tôi yên tâm hơn một chút. Nếu nó ở ngoài đường phố, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra” - Victor Puiz, anh trai của một người nghiện từng ở trung tâm phục hồi chức năng bắt buộc, nói.
Cai nghiện đúng là một biện pháp tích cực, nhưng những gì mà trung tâm áp dụng với các con nghiện theo hướng bạo lực như trên không giúp họ bỏ rượu và ma túy mà còn phản tác dụng. Càng ngày những con nghiện càng không quy phục. Họ không những không phục hồi mà luôn tìm cách trốn khỏi khu biệt giam.
Theo An Ninh Thủ Đô