|
Ảnh minh họa. |
Trong thời gian này, tại Bệnh viện Mắt T.Ư mỗi ngày có từ 200-300 bệnh nhân đến khám vì bị đau mắt đỏ (còn gọi là đau mắt dịch, viêm kết mạc theo chẩn đoán của bác sĩ).
Rất nhiều gia đình cả nhà đi khám vì đau mắt; có những đám giỗ trong một buổi có tới trên 20 người bị lây đau mắt từ một đứa trẻ. Mặc dù không phải là một bệnh nặng có thể dẫn đến mù lòa nhưng đau mắt dịch là một bệnh nguy hiểm do tính chất dễ lây và ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động và học tập của người bệnh.
Bệnh đau mắt đỏ có khả năng lây nhiễm rất cao thông qua tiếp xúc với những vật mang virus như tay, khăn mặt, khăn lau, dịch tiết, dử mắt, bông lau, lọ thuốc tra mắt, ho hoặc hắt hơi khi viêm đường hô hấp kèm theo do virus... Đau mắt đỏ do virus có khả năng lây lan từ khi ủ bệnh và trong suốt thời gian bị bệnh. Còn đau mắt do vi khuẩn có khả năng lây lan từ khi phát bệnh cho đến 1 ngày sau khi đã bắt đầu dùng kháng sinh. Vì thế, trong những ngày này, nên hạn chế đến chỗ đông người để tránh lây nhiễm.
Trong gia đình, cần hạn chế tiếp xúc, sử dụng vật sinh hoạt như khăn tay, chậu rửa, đồ trang điểm... Đặc biệt, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nhất là sau khi tiếp xúc với mắt bị đau, các vật có thể truyền bệnh. Rửa tay bằng xà phòng sẽ giúp ngăn ngừa hiệu quả lây nhiễm đau mắt dịch kể cả do virus hoặc vi khuẩn.
Khi biết bị đau mắt, người bệnh nên đi khám bác sĩ mắt để có chẩn đoán đúng và được kê đơn thuốc phù hợp. Nên nhớ, bệnh mỗi người, mỗi lứa tuổi cần được điều trị bằng thuốc phù hợp theo từng loại nguyên nhân. Vì thế, không được tự ý mua thuốc hoặc mua theo lời khuyên của những người không phải là bác sĩ chuyên khoa mắt.
Khi điều trị, cần tra thuốc theo hướng dẫn, không nên ngừng thuốc sớm vì bệnh có thể nặng trở lại nếu ngừng thuốc sớm. Tuyệt đối không xông mắt bằng lá trầu, lá dâu, rửa mắt với những dung dịch tự chế (kể cả nước muối) vì có thể làm cho bệnh nặng lên hoặc xuất hiện biến chứng như viêm giác mạc.
Tại gia đình, nên lau sạch đồ chơi, vật dụng của trẻ bị bệnh với dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng để tránh lây nhiễm. Dù trong nhà có vài người đau mắt phải sử dụng thuốc giống nhau thì cũng nên dùng riêng biệt, không nên sử dụng chung lọ thuốc vì có thể lây nhiễm chéo các chủng vi khuẩn hoặc virus từ người này sang người khác.
TS Vũ Quốc Lương (Trưởng khoa Khám và Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Mắt T.Ư)