Các bác sĩ Ấn Độ vừa giúp một người phụ nữ mang gen của đàn ông có một cơ hội hiếm hoi để thụ thai và sinh ra hai em bé khỏe mạnh.
|
Theo Thời báo Ấn Độ, trong một triệu ca mới có một ca như thế này. Ảnh minh họa. |
Theo các bác sĩ, hai em bé, một trai và một gái nhờ phép lạ của y học đã được sinh ra vào hôm thứ bảy, sau khi Maya Sharma (tên người phụ nữ nói trên, đã được thay đổi) đã trải qua một liệu trình điều trị kéo dài hơn 3 năm để thực hiện giấc mơ làm mẹ của cô.
Tiến sĩ Sunil Jindal, chuyên gia về vô sinh, người trực tiếp điều trị cho Maya nói: "Điều này giống như là cặp song sinh do một người đàn ông sinh ra. Điều kiện của Maya trong y học gọi là loạn sản tuyến sinh dục XY. Người như vậy có đặc điểm bên ngoài là nữ nhưng không có chức năng của tuyến sinh dục, buồng trứng hay các cơ quan sinh sản tạo ra trứng, đó là điều cần thiết cho sinh sản tự nhiên. Cô chưa bao giờ thấy kinh nguyệt hay trải qua tuổi dậy thì. Các bác sĩ hàng đầu đã kiểm tra nhiễm sắc thể của cô và chẩn đoán cô có nhiễm sắc thể XY hướng nam. Dù sao, cô cũng có ưu điểm duy nhất đó là có tử cung trẻ con, mà có thể phát triển khi điều trị nội tiết”.
Các bác sĩ quyết định giúp cô thực hiện khao khát làm mẹ. “Thách thức đối với chúng tôi đó là phát triển trong tử cung đến một mức độ mà nó có thể mang được thai”, Tiến sĩ Jindal cho biết.
Phôi được phát triển cùng trứng hiến tặng và được cấy vào tử cung. Ngay khi cô có thai, các bác sĩ gặp phải vấn đề khác. “Thử thách lớn nhất của chúng tôi là làm thế nào để giữ được thai này suốt 9 tháng, trong cơ thể không có chức năng này”, Tiến sĩ Jindal nói.
Thành công của liệu trình này đã được các bác sĩ trình bày tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Châu Âu về Nhân sinh sản và Phôi học được tổ chức tại Bồ Đào Nha vào tháng Sáu.
Trong khi đó, các chuyên gia về vô sinh cũng khá lạc quan về sự phát triển hiếm có này. “Chỉ có 4 đến 5 trường hợp được ghi nhận trên toàn thế giới đối với những phụ nữ mắc hội chứng này và có thể sinh con. Vì vậy, đây thực sự là một thành tựu to lớn”, tiến sĩ KD Nayar thuộc Hội Sinh sản Ấn Độ cho biết.
Cũng đồng tình với ý kiến trên, giáo sư khoa phụ sản Viện Khoa học Y học All India (AIIMS) nói: “Đó thực sự là sự phát triển hiếm có. Ngay cả ở những phụ nữ bình thường, hỗ trợ sinh sản có tỉ lệ thành công chiếm khoảng 30 đến 40 phần trăm trong khi ở trường hợp này liên quan đến người phụ nữ không có tiền sử chu kỳ kinh nguyệt mà vẫn mang thai thành công thì thử thách càng cao hơn”.
Thúy Nguyễn