Nhờ ADN con tìm thấy cha và con cũng… mất cha
Bà Myly Nguyen sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn giữa lúc diễn ra cuộc chiến tranh chia cắt Việt Nam vào những năm 1960 – 1970. Cha bà, ông Nguyễn Văn Đại, từng giữ một chức vụ trong chính quyền Sài Gòn. Sau giải phóng miền Nam năm 1975, ông Đại được đưa đi tập trung cải tạo tại trại cải tạo Đông Bắc, tỉnh Lào Cai.
|
Ảnh minh họa. |
Lần liên lạc cuối cùng của ông Đại với gia đình là bức thư được gửi từ trại Phong Quang năm 1975. Tháng 12 năm 1977, gia đình bà Myly Nguyen nhận được tin báo là ông Đại đã chết vì chấn thương sọ não do ngã. Ông được chôn cất một ở nghĩa trang trên địa phận tỉnh Lào Cai.
Vì nhiều lý do, gia đình bà Myly Nguyen chưa thể tìm về nơi chôn cất người thân của mình và bản thân bà vì cuộc sống mưu sinh cũng rời Việt Nam sang định cư ở Australia cách quê nhà hàng nghìn cây số.
Khi cuộc sống đã tạm ổn, bà Myly Nguyen quyết định về Việt Nam tìm cha. Tại nghĩa trang nới cha bà được chôn cất, có 3 ngôi mộ mà theo người quản trang, một trong số đó có thể là mộ của cha bà. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và hiểu biết của mình, bà Myly hiểu rằng việc khai quật mộ ở Việt Nam và giám định ADN không phải dễ dàng gì.
Bà đã tới Viện Pháp y Victoria đề nghị sự giúp đỡ. Sau khi nhận được sự thỉnh cầu giúp đỡ từ bà Myly Nguyen, Viện Pháp y Victoria đã liên hệ với những đồng nghiệp ở Viện Pháp y quốc gia Việt Nam và nhận được lời đồng ý giúp đỡ bao gồm cử một chuyên gia pháp y, tiến hành các phân tích pháp y và xét nghiệm ADN.
Lòng hiếu thảo và nỗi ước mong được đoàn tụ với cha của bà Myly Nguyen đã được thỏa lòng khi kết quả giám định ADN ty thể cho thấy bộ hài cốt tại ngôi mộ số 3 chính là hài cốt của người cha bà Myly Nguyen. Bà Myly Nguyen đã bật khóc khi nhận được kết quả xét nghiệm ADN từ Việt Nam…
Trái với niềm vui của bà Myly Nguyen, mới đây một đứa trẻ còn rất nhỏ tuổi đã bị cha mình chối bỏ, và mất cha, mất gia đình đủ bố mẹ trong một phiên tòa ly hôn.
Câu chuyện xảy ra tại tỉnh H., người chồng nghi ngờ vợ mình không chung thủy đã đem đứa con đi giám định huyết thống tại một cơ sở giám định gen. Kết quả cho thấy, đứa con không phải là con anh ta và ngay lập tức lá đơn ly dị đã được gửi đến tòa.
Nhưng sự việc đau buồn nào đã dừng lại ở đó, người vợ thấy oan ức với kết quả giám định gen của chồng vì bản thân chị chưa từng phản bội chồng, hay có mối quan hệ khác ngoài hôn nhân. Uất ức vì bị nghi oan, xúc phạm danh dự nhân phẩm, vì gia đình tan vỡ, chị đã làm đơn đến tòa đề nghị xem lại kết quả giám định gen của cơ sở trên.
Tòa quyết định trưng cầu giám định lại và kết quả cho thấy, đứa con là huyết thống của người chồng.
Nhưng án ly hôn đã xử, người vợ cũng không còn muốn níu giữ một người đàn ông đã sống với mình không chút lòng tin, chị chỉ có yêu cầu người chồng phải cấp dưỡng cho đứa con của anh ta. Người lớn thì có thể thế là xong, nhưng đứa trẻ vĩnh viễn không còn gia đình đủ đầy cha mẹ.
Ở một câu chuyện khác, một đứa trẻ được đưa đến cơ sở giám định gen để tìm huyết thống với hai người đàn ông khác nhau. Một là người bố trong pháp luật của đứa trẻ, còn người kia là người tình của mẹ. Và kết quả cho thấy, đứa trẻ đồng thời là… con của cả hai người đàn ông (!)
Tâm làm nghề và tâm công bố
Kể những câu chuyện cả vui và cả buồn ra đây để thấy, khác những lĩnh vực khác, sự sai sót của máy móc, sự kém cỏi của năng lực trong việc giám định ADN nếu có sẽ dẫn đến những sai lầm “chết người”, ảnh hưởng nghiêm trọng tới xã hội và các cá nhân, thay vì có thể sửa chữa, bỏ qua. Và nếu như hoạt động giám định đó lại phục vụ tố tụng thì tính chính xác được yêu cầu là tuyệt đối.
Chính vì thế, trong Thông tư 47/2013/TT-BYT ban hành quy trình giám định pháp y, Bộ Y tế đã quy định rõ quy trình giám định ADN bao gồm10 quy trình, trong đó cụ thể từng khâu như: giám định ADN đối với mẫu máu; giám định ADN đối với lông, tóc; giám định ADN đối với tế bào niêm mạc miệng; giám định ADN đối với mẫu mô…
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Hữu Hảo – Trưởng khoa xét nghiệm sinh học Viện Pháp y quốc gia cho biết, tính chính xác của kết quả giám định AND bên cạnh việc cần có những máy móc hiện đại thì còn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của giám định viên. “Ví dụ như khi giám định những mẫu xương vi vết (những mẫu xương đã tồn tại ngoài hiện trường lâu năm), những mẫu AND đã bị phân hủy vì nhiều tình huống khách quan sẽ cần những giám định viên giỏi, nếu không sẽ bị tạp nhiễm cho kết quả không chính xác” – theo ông Hảo.
Để minh chứng cho nhận định của mình, Trưởng khoa xét nghiệm sinh học Viện Pháp y quốc gia cho biết, năm ngoái Viện Pháp y quốc gia nhận được một đề nghị giám định từ Cộng hòa Maldives. Những vật chứng của vụ việc được phía Maldives đề nghị giám định AND tương đối khó. Chỉ là 5 sợi tóc được thu giữ trên thảm xe ô tô và một chiếc bàn chải đánh răng.
Điều đáng nói là trước đó vật chứng đã được gửi sang Thái Lan để giám định nhưng không cho kết quả. “Trong giám định AND, bàn chải đánh răng là một trong những mẫu vật khó nhất để giúp xác định danh tính. Mẫu bàn chải mà phía Maldives gửi không những đã được thu giữ cách đây hơn một năm, mà còn đã gửi sang Thái Lan nên dấu vết AND đã nhạt đi rất nhiều. Biết là khó nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm, sau 10 ngày đã có kết quả”- ông Hà Hữu Hảo cho biết.
Được biết hiện nay nhiều cơ sở giám định gen hướng dẫn người có nhu cầu giám định lấy mẫu rất sơ sài dù rằng trong việc giám định, mẫu giám định đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ví dụ như: đối với ADN ty thể (phân tích xương) đoạn càng dài thì độ chính xác càng cao; đối với ADN huyết thống thì số lượng locus (vị trí của gen trên nhiễm sắc thể) càng nhiều thì độ chính xác càng cao…
Và điều cuối cùng muốn nói đến, đó chính là đạo đức làm nghệ của người giám định. Khoa học cũng như chân lý chỉ có một chứ không thể có những thứ tương tự, nên người giám định cũng không được phép làm ẩu, làm đại khái. Mặt khác, với những vụ việc giám định nhạy cảm (như liên quan đến huyết thống) thì thông tin chỉ nên cung cấp dưới góc độ khoa học, nhân văn (giấu tên tuổi, địa chỉ thật…) mà tuyệt đối không sử dụng kết quả giám định làm PR cho bất kỳ cá nhân tổ chức vì sau đó là sự bình yên của rất nhiều gia đình, cá nhân.
Mời quý độc giả xem thêm video:
Theo Báo Pháp Luật