Sử dụng các loại hóa chất độc hại để ngâm tẩm bảo quản và tạo màu, người ta có thể bảo quản măng tươi trong 2 năm mà không bị thối rữa hay phân hủy. Những hóa chất cực độc này đang đe dọa sức khoẻ người tiêu dùng.
Tẩy trắng, nhuộm vàng
Ngày 17/5, Chi Cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Bình Thuận (thuộc Sở NN&PTNT Bình Thuận) phối hợp cùng với Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường công an tỉnh đã bắt quả tang một cơ sở chế biến thực phẩm bẩn, măng tươi ngâm hóa chất của bà Dương Thị Lập (xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc) dùng hóa chất để tẩy rửa măng. Tại cơ sở này, lực lượng chức năng phát hiện một số lượng lớn măng được ngâm trong các thau chậu cỡ lớn. Số măng trên được tẩy trắng bằng chất bột lạ, sau đó được tiếp tục ngâm rửa và cộng thêm chất bột màu vàng để măng lên màu vàng đẹp. Loại hóa chất tẩy rửa đang được các cơ quan chức năng phân tích, làm rõ.
Trước đó, ngày 15/1, Phòng 6 Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - Cơ quan phía Nam (C49B, Bộ Công an) và cơ quan Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra 3 cơ sở sản xuất, kinh doanh măng tươi ở phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM, phát hiện cơ sở có hành vi ngâm tẩm măng trong hóa chất. Thủ đoạn của ba cơ sở này là ngâm măng trong dung dịch hòa sẵn với hóa chất, rồi đem số măng ngâm hóa chất ủ trong các chum sành có thể lưu giữ được trong thời gian dài. Chủ một trong ba cơ sở khai với cơ quan chức năng rằng cứ 200 lít nước sẽ ngâm được 100kg măng. Măng ngâm hóa chất trong khoảng 12 giờ có thể bảo quản suốt 2 năm.
TS Trần Quang Ứng, Đại học Khao học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hóa chất có trong măng từ trước đến nay được tìm thấy đa phần là axit oxalic. Người ta sử dụng hóa chất này để ngâm măng, làm trắng và bảo quản được lâu. Axit oxalic là một loại axit hữu cơ tương đối mạnh, gấp 10 ngàn lần giấm ăn, thường được dùng trong việc tẩy rửa hoặc chống gỉ sét. Dung dịch axit oxalic còn được dùng để đánh bóng gỗ, dùng làm chất cẩn màu trong công nghệ nhuộm. Axit oxalic là chất cấm dùng trong sản xuất, chế biến thực phẩm vì nó có thể gây tử vong khi bị nhiễm độc nặng.
|
Người ta có thể bảo quản măng tươi trong 2 năm mà không bị thối rữa hay phân hủy... Ảnh minh họa. |
Loại bỏ độc chất khi sử dụng
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, thông thường măng mọc theo mùa, hằng năm đều có mùa để thu hoạch nên sử dụng hóa chất giúp măng tươi đến 2 năm là không cần thiết. Không rõ ngoài axit oxalic thì chất để bảo quản măng là chất gì. Để bảo quản được lâu như vậy thì chỉ có các loại hóa chất dùng để ướp xác. Còn trong quá trình thu hoạch và xử lý măng tươi, để loại bỏ chất xyanua là một chất độc trong măng, người ta phải ngâm rửa sạch, sử dụng sodium hydrosulfite là một chất phụ gia thực phẩm để tẩy trắng, khử độc. Bản thân măng chỉ có chất xơ nên vi sinh vật thường không phát triển.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu sử dụng lâu dài thực phẩm có chứa axit oxalic, sự kết tủa này sẽ có hại cho thận, gây sỏi thận, có nguy cơ gây ung thư rất cao. Nếu dùng ở lượng lớn, axit oxalic dễ làm kích thích niêm mạc ruột và ở liều nguyên chất còn có thể gây ngộ độc cấp, người lớn thể trọng 60kg nếu dùng khoảng 22g có thể tử vong.
Bằng cảm quan cũng có thể nhận biết măng có bị ngâm hóa chất hay không, măng không ngâm hóa chất thường có màu sậm, mùi ngái đặc trưng, dùng tay bấm vào măng không mủn. Măng ngâm hóa chất là măng có màu trắng nhợt nhạt hoặc vàng sẫm do được ngâm với bột măng (màu vàng). Măng ngâm hóa chất nhìn đẹp mắt, vị ngọt, ngon và giòn hơn măng tự nhiên. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên, khi ăn măng, tốt nhất là nên rửa nhiều lần bằng nước sạch rồi luộc lên để loại bỏ hết chất độc sau đó mới chế biến. Đó là cách sử dụng khá an toàn. Măng là đồ ăn không có nhiều dinh dưỡng nên dù có luộc đi luộc lại nhiều lần cũng không ảnh hưởng gì đến chất lượng.
Theo các chuyên gia, măng không phải là thực phẩm khuyến khích sử dụng, không nên ăn quá nhiều măng, không sử dụng nó như thực phẩm chính trong bữa cơm gia đình. Nếu có điều kiện thì nên sử dụng măng tươi chưa qua ngâm tẩm hoặc măng khô hơn là măng chua, vì nguy cơ nhiễm hóa chất ở các loại măng đó thấp.
Bảo Khánh