Mất não do hạ đường huyết

Google News

(Kiến Thức) - Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện 103 vừa cấp cứu cho một bệnh nhân bị hôn mê do hạ đường huyết. 

Hôn mê do tự tiêm insulin khi người nhà đi vắng
Bà Nguyễn Thị L. (72 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội) được cấp cứu đến Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện 103 trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, da lạnh ngắt, huyết áp tụt 80/45mmHg. Người nhà bệnh nhân cho biết, bà có tiền sử đái tháo đường 10 năm nay, thường xuyên uống thuốc hạ đường huyết và 3 - 4 năm nay phải tiêm insulin. Hôm đó, cả nhà đi vắng, bà ở nhà lấy thuốc tự tiêm, khi người nhà về thì bà đã bất tỉnh. Tưởng bà bị tai biến mạch máu não nên gia đình chuyển vào Khoa Đột quỵ để cấp cứu.
BS Nguyễn Văn Tuấn, Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện 103 cho biết, hôn mê do tăng hay hạ đường huyết đột ngột khá phổ biến và dễ bị chẩn đoán nhầm với đột quỵ. Bởi bệnh xảy ra nhanh, xuất hiện các triệu chứng thần kinh như ngủ gà, các dấu hiệu thần kinh trung ương (liệt nửa người hoặc giảm thị lực), sững sờ và thậm chí co giật và tiến triển tới hôn mê giống với đột quỵ não. 
Ngoài ra, bệnh nhân có thể suy hô hấp, mạch nhanh, tụt huyết áp... Trường hợp phát hiện sớm tiến hành điều chỉnh đường huyết, bệnh nhân nhanh chóng thoát khỏi hôn mê và hồi tỉnh. Nhưng nếu phát hiện và điều trị muộn như trường hợp của bà L. thì bệnh nhân vẫn bị mất não dù thoát khỏi hôn mê, phải sống đời sống thực vật từ nay đến cuối đời. 
 Chăm sóc bệnh nhân hôn mê tại Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện 103.
Nguyên nhân và cách phòng tránh hôn mê
Theo PGS.TS Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện Rối loạn chuyển hóa và Đái tháo đường, hôn mê do tiểu đường là một biến chứng nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong nếu không được xử trí kịp thời. 
Có nhiều biến chứng của đái tháo đường đều dẫn đến hôn mê gồm: Do hạ đường máu đột ngột (thường gặp ở người bệnh thực hiện chế độ ăn quá khắt khe hoặc do dùng thuốc, đặc biệt là tiêm insulin quá liều); do nhiễm toan ceton (là tình trạng nhiễm độc do máu bị toan hóa vì tăng nồng độ axit axêtic do thiếu insulin gây ra) và hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu (do đường máu cao, bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 không biết mình bị bệnh, hoặc dùng thuốc không đủ liều, ăn uống quá nhiều đồ ngọt, có chấn thương tinh thần hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm virus...). 
Triệu chứng chung của bệnh là mệt đột ngột, vã mồ hôi, khó thở, nhịp tim nhanh, chóng mặt, nhìn mờ, kiệt sức, lả đi rồi ngất, đi vào hôn mê. Với hôn mê do nhiễm toan ceton và tăng áp lực thẩm thấu, bệnh nhân có thể có triệu chứng buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy, mất nước nặng do tiểu nhiều, khát nhiều, da nhăn nheo, mắt trũng, có thể dẫn đến máu cô đặc gây tắc mạch...
Các bác sĩ đều khuyên, bệnh nhân hôn mê cần nhanh chóng đưa vào bệnh viện, cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Với những bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt, ăn uống, vận động tốt nhưng có dấu hiệu hạ đường huyết như mệt mỏi, hoa mắt, vã mồ hôi, lạnh, ý thức suy giảm... thì phải nhanh chóng bổ sung đường bằng cách ăn bánh kẹo, uống nước đường, sau đó đo đường huyết để kiểm tra. Bệnh nhân hôn mê sẽ được các bác sĩ nhanh chóng dùng các biện pháp điều trị đảm bảo chức năng sống như đặt nội khí quản, cho thở máy... bổ sung dịch, truyền insulin, điều chỉnh điện giải, chống huyết khối tĩnh mạch...
Để phòng ngừa hôn mê do đái tháo đường thì cần kiểm tra đường huyết định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời tiểu đường. Đặc biệt, những người có các triệu chứng như ăn nhiều, khát và uống nhiều, tiểu nhiều, nước tiểu kiến bu, gầy sút cân nhanh, cũng có khi chán ăn, buồn nôn, nôn... cần nhanh chóng đi khám. Bệnh nhân đã được chẩn đoán bệnh thì cần kiểm soát đường huyết chặt chẽ, tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, dùng thuốc đúng liều, đúng giờ. 
Không nên vì quá nóng vội mà dùng thuốc quá liều hoặc tự ý đổi liều, sử dụng thuốc không theo chỉ dẫn, ngưng điều trị đột ngột. Cần có chế độ ăn uống, vận động phù hợp. Nên ăn đúng giờ, đúng tiêu chuẩn hợp với chế độ dinh dưỡng dành riêng cho người tiểu đường. Không nên hoạt động thể lực quá mức.
Insulin là một chất protein, khi tiêm vào cơ thể sẽ có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu. Việc tiêm insulin phải được sự giúp đỡ, giám sát của y tá. Tiêm insulin phải đúng liều, nếu ít hơn thì đường huyết tăng, không kiểm soát được bệnh đái tháo đường. Còn nếu quá liều sẽ gây hạ đường huyết, gặp nguy hiểm vì chỉ hạ đường huyết sau 5 phút là bệnh nhân đã có thể bị mất não, sống đời sống thực vật.
Thúy Nga