Trong dịp Tết nguyên đán 2014, ngoài vấn đề nhập viện do tai nạn giao thông, thì vấn đề ngộ độc trong dịp Tết cũng khiến nhiều bệnh viện quan ngại. Trong đó, có nhiều vụ ngộ độc đặc biệt nguy hiểm như: ngộ độc mật cá, ngộ độc rượu, ngộ độc thuốc chuột…
Ngộ độc vì thử… rượu
Đó là trường hợp một bệnh nhân nam (32 tuổi) ở Thanh Trì - Hà Nội, chuyển đến cấp cứu tại Trung tâm chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai chiều 3/2 (ngày 3 Tết).
Theo thông tin từ người nhà bệnh nhân, từ ngày 30 Tết nam thanh niên này uống rất nhiều loại rượu, từ rượu tự nấu, rượu nhập khẩu đến các loại rượu ngâm, rượu thuốc… Đến ngày thứ 3 thì xuất hiện các biểu hiện nói trên nên người nhà vội vàng đưa đến bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Đàm Chính, Trung tâm chống độc cho biết, khi nhập viện, nam thanh niên này đang ở trong tình trạng say rượu, vật vã, kích thích, rối loạn tri giác, tổn thương não, huyết áp tụt sâu, toan chuyển hóa máu, tổn thương gan thận. Sau khi nhập viện điều trị 1 ngày gia đình bệnh nhân đã xin chuyển về gia đình vì bệnh tình quá nặng.
|
Bác sĩ đang điều trị một bệnh nhân ngộ độc rươuk |
Ngộ độc vì mật cá trắm
Đó là một bệnh nhân 14 tuổi, phải cấp cứu tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vì ngộ độc mật cá trắm, khi nhập viện bệnh nhân ở trong tình trạng men gan tăng gần 200 lần so với mức bình thường đau dữ dội vùng thượng vị, nôn mửa, đi ngoài…
Theo thông tin từ gia đình bệnh nhân cung cấp, chiều mùng 3 Tết, sau khi mua con cá trắm nặng gần 4kg về để làm lẩu, người mẹ đã chọc túi mật của con cá và hòa mật đó với đường trắng cho con uống. Uống được 3 giờ đồng hồ thì cháu bé bắt đầu có dấu hiệu ngộ độc. Ngay sau đó, cháu được chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh rồi bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng gan bị phá hủy, vàng da, mệt lả. Sau 2 ngày điều trị, men gan của cháu bé đã giảm đáng kể, sức khỏe tạm thời ổn định.
Theo bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn cho biết rất may cháu bé này chỉ bị tăng men gan rất cao chứ không bị suy thận. Trên thực tế đã có những trường hợp ngộ độc mật cá dẫn đến suy thận, phải chạy thận lọc máu trong thời gian dài. Bác sỹ Tuấn cảnh báo người dân không dùng mật cá để tự ý chữa bệnh. Ngay trước dịp Tết Giáp Ngọ, bệnh viện Bạch Mai cũng đã phải cấp cứu một trường hợp ngộ độc mật cá trong trường hợp tương tự.
Ngộ độc thuốc chuột cực độc
Ngoài những trường hợp ngộ độc rượu, ngộ độc mật cá… Tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai còn tiếp nhận một số ca ngộ độc khác như ngộ độc thuốc chuột, ngộ độc ma túy tổng hợp …
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, trong dịp Tết Giáp Ngọ, Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận 1 trường hợp ngộ độc thuốc diệt chuột gây rối loạn đông máu, 4 trường hợp ngộ độc thuốc diệt cỏ, trong đó có 3 trường hợp uống thuốc diệt Paraquat - loại cực độc.
Đây đều là những trường hợp tự tử, nguyên nhân hầu hết xuất phát từ mâu thuẫn gia đình hoặc do nợ nần căng thẳng. Hiện các bệnh nhân đang tiếp tục được điều trị tích cực.
Bên cạnh đó, Bệnh viện còn ghi nhận một trường hợp ngộ độc ma túy tổng hợp amphetamine do bệnh nhân đã sử dụng ma túy trong dịp Tết.
Ngộ độc rượu tăng trong “tháng ăn chơi”
Theo TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc, trong vòng 1 tháng qua Trung tâm đã tiếp nhận hàng chục bệnh nhân ngộ độc rượu. Đáng nói là hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán tỉ lệ bệnh nhân ngộ độc rượu gia tăng đáng kể, trong đó nhiều trường hợp phải điều trị kéo dài. “Có thể tới đây số ca ngộ độ rượu sẽ còn tăng mạnh do “tháng Giêng là tháng ăn chơi” và đây là thời điểm các doanh nghiệp, công ty, cơ quan hoặc bạn bè tụ tập liên hoan”, TS Duệ lo ngại.
Đồng thời, Cục An toàn thực phẩm khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các viện khu vực, các chi cục an toàn thực phẩm tại địa phương để theo dõi và xử lý kịp thời nếu có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Lê Phương (TH)