|
Ảnh minh họa. |
Bệnh phát quanh năm, rất hay lây và có thể thành dịch. Bệnh phát ở mọi lứa tuổi nhưng thường thấy ở trẻ dưới 5 tuổi. Nói chung, bệnh này tiên lượng tốt, nhưng một số ít trường hợp nặng lên gây các biến chứng ở tim, não, màng não và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân gây tay chân miệng là do cảm nhiễm. Vị trí bệnh ở hai kinh phế và tỳ. Ở trẻ em, tạng phế tỳ còn non yếu nên dễ bị tổn thương.
Nguyên tắc điều trị bệnh tay chân miệng là thanh nhiệt, trừ thấp, giải độc. Nếu bệnh nhẹ, dùng các nhóm thuốc sau: Thuốc thanh nhiệt giải độc tuyên phế thẩu biểu (dùng kim ngân hoa, liên kiều, hoàng cầm, bạc hà); thuốc hóa thấp dùng bạch khấu nhân, hoắc hương, thạch xương bồ; thuốc thanh nhiệt lợi thấp dùng hoạt thạch, nhân trần; thuốc thanh nhiệt lợi yết hóa đàm, chặn ho dùng bản lam căn, xạ can, xuyên bối mẫu. Nếu lợm giọng, nôn, dùng thêm thuốc hòa vị giáng nghịch như tô ngạnh, trúc nhự. Nếu tiêu chảy dùng thêm thuốc khứ thấp chỉ tả gồm trạch tả, ý dĩ. Nếu sốt cao dùng thêm cát căn, sài hồ để giải cơ, thoái nhiệt. Ngứa ngoài da nhiều thì thêm thuyền thoái (xác ve sầu), bạch tiên bì để khu phong, chặn ngứa.
Trường hợp bị nặng, bệnh nhân phải dùng các nhóm thuốc sau: Thuốc thanh nhiệt giải độc khứ thấp (hoàng liên, chi tử, liên kiều); thuốc lương huyết, thanh nhiệt (sinh thạch cao, tri mẫu); thuốc giải độc thấu chẩn (đại thanh diệp, bản lam căn, tử thảo). Nếu thiên về thấp, dùng sinh địa, hoạt thạch, trúc diệp để thanh nhiệt, lợi thấp. Nếu táo bón, thêm đại hoàng huyền minh phấn để tả nhiệt, thông tiện. Miệng khô khát, thêm mạch đông, lô căn để dưỡng âm, sinh tân. Vật vã không yên, thêm đạm đậu xị, liên tử tâm (tâm sen) để thanh tâm, giải phiền. Nếu sốt cao, hôn mê, co giật, dùng an cung ngưu hoàng hoàn. Nếu tim hồi hộp, tức ngực, hơi thở ngắn, đó là tà độc phạm vào tâm gây viêm cơ tim (nên phối hợp điều trị với Tây y).
BS Quan Đông Hoa (nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đông y, trường Đại học Cần Thơ)