Những căn bệnh khủng khiếp thời công nghệ

Google News

(Kiến Thức) - Ngoài những bệnh về cột sống, mắt... các nhà khoa học còn phát hiện ra thêm nhiều bệnh khác liên quan đến các thiết bị công nghệ.

Khổ vì thiết bị thông minh
TS Nguyễn Phan Kiên, Viện Điện tử Y sinh, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, các thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại, iPad, các trò chơi trên mạng... đem lại nhiều lợi ích cho con người, nhưng mặt khác nó cũng gây ra khá nhiều chứng bệnh và sự tổn thương cho cơ thể. 
Hàng nghìn bệnh liên quan đến các thiết bị công nghệ đã được liệt ra ví dụ như để máy tính ở trên đùi, bức xạ của máy tính phát ra có thể ảnh hưởng đến chất lượng của các cơ quan sinh sản... Đấy là những bệnh mà nhiều người đã biết. Ngày nay, các nhà khoa học còn tìm thấy những bệnh khác mà chính người sử dụng các thiết bị điện tử cũng không thể ngờ tới.
GS Tony Kochhar, một chuyên gia về chấn thương chi trên và vai thuộc Đại học Greenwich (Anh) cho biết, ông đã phải điều trị cho một cô gái dùng điện thoại quá nhiều khiến dây chằng bị đứt. Các bác sĩ đã phải mổ để nối lại dây chằng cho cô gái mê công nghệ này. Việc bị đứt dây chằng do dùng điện thoại quá nhiều chỉ là một trong số những bệnh về công nghệ mà nhóm nghiên cứu của Kochhar tìm hiểu. 
Thực tế, một chứng bệnh "oái ăm" hơn mà ít người nghĩ tới nữa được gọi tên là "cánh tay Gorilla", xuất hiện khi có sự ra đời của màn hình cảm ứng và bút laser vào những năm đầu thập niên 80. Người bị bệnh lý có cảm giác mệt mỏi và khó chịu khi đưa cánh tay ra phía trước mặt và di chuyển cánh tay ở một phạm vi nhỏ. 
Tương tự đó là bệnh Nintendinitis do sử dụng thiết bị game Nintendo gây tổn thương ngón tay do bấm phím quá nhiều. Bệnh này xuất hiện là do có sự vận động liên tục lặp đi lặp lại trong một thời gian dài mà không có hoặc có quá ít sự nghỉ ngơi. 
Bệnh đau iPad cũng được các nhà khoa học đưa ra. Đây là chứng bệnh đau lan từ cổ đến vai do tư thế gập người về phía trước để sử dụng laptop hoặc iPad đặt trên đùi. Tư thế gập người về phía trước sẽ khiến cho cổ phải vươn về phía trước, làm cho các bắp cơ ở cổ và ở lưng cũng căng ra, ép vào các đĩa đệm ở đốt sống cổ. 
Viêm tuyến mồ hôi lòng bàn tay hay còn gọi là phát ban PlayStation được phát hiện lần đầu tiên qua một bé gái 12 tuổi người Thụy Sỹ do cầm điều khiển PlayStation quá nhiều và quá lâu gây ra những "chấn thương nhỏ nhưng liên tục" trong lòng bàn tay của mình. 
Đặc biệt, GS Kochhar còn liệt kê bệnh hồng ban do nhiệt. Nguyên nhân là do người sử dụng thường xuyên để máy tính trên đùi, khiến phần da đùi tiếp xúc quá lâu với nguồn nhiệt vì chủ quan cho rằng nguồn nhiệt này không quá nóng. Thực tế, chỉ cần một nhiệt độ từ 43 - 47oC cũng có thể gây bỏng da...
 Ảnh minh họa.
Đừng biến mình thành con nghiện
TS Nguyễn Phan Kiên cho rằng, tất cả những trường hợp trên cho thấy các thiết bị công nghệ cao có một điểm chung: Nếu chúng ta sử dụng không đúng cách, chúng có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khoẻ.
Điều đáng nói, người sử dụng thiết bị công nghệ cao lại không hề biết rằng các bệnh mà mình mắc phải là do công nghệ, hoặc là bỏ qua các dấu hiệu của bệnh, khiến cho bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Theo GS Kochhar, bệnh lý đau vai iPad ban đầu chỉ là một cơn đau nhỏ, người bệnh thường nghĩ là do làm việc quá nhiều hoặc căng thẳng. Khi tình trạng trở nên tồi tệ hơn sẽ dẫn đến các cơn đau như châm kim hoặc đau rát. Những triệu chứng này cho thấy, các mô đang bị hư hỏng, nhất là các mô mỏng manh như dây thần kinh, rất khó phục hồi nhanh chóng.
Đặc biệt, theo các chuyên gia việc dùng quá nhiều các thiết bị này, không chỉ gây ra các bệnh lý mà nó còn có nguy cơ gây ra các bệnh liên quan đến tâm lý, việc nghiện các thiết bị công nghệ còn gây hậu quả nghiêm trọng nhất là khiến con người chúng ta trở nên xa với cuộc sống thực. Điều tệ nhất là sự bất thường này đang diễn ra hằng ngày và ngày càng nghiêm trọng, nhưng chúng ta đang dần coi đó là... bình thường.
Để tránh các bệnh về công nghệ đòi hỏi việc sử dụng các thiết bị này hợp lý, tránh sự lệ thuộc và nghiện. Hãy giảm bớt tần suất sử dụng các thiết bị công nghệ và sắp xếp thời gian dành cho cuộc sống thực nhiều hơn.
TS Nguyễn Phan Kiên
Huy Khánh