Chị Nguyệt Hoài Đức và vụ nhân bản kết quả xét nghiệm
Nói đến vụ việc nhân bản kết quả xét nghiệm tại bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) hồi tháng 8/2013, chắc hẳn không ai là không nhớ đến chị Hoàng Thị Nguyệt, người đã dũng cảm gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng, tố cáo hành vi sai phạm nghiêm trọng trong việc nhân bản kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân.
|
Chị Hoàng Thị Nguyệt người tố cáo nhân bản xét nghiệm tại BV ĐK Hoài Đức |
Theo đó, chị cùng một một số đồng nghiệp khác đã thu thập chứng cứ từ 7/2012 đến tháng 5/2013 với hơn 1.000 phiếu xét nghiệm được “nhân bản” tại BV ĐK Hoài Đức, trả cho ít nhất 2.000 bệnh nhân. Trung bình một kết quả sử dụng cho 2-5 người. Nhiều bệnh nhân khác xa nhau về bệnh án, lứa tuổi, nhưng đều có chung một kết quả xét nghiệm.
Trong quá trình tố cáo, chị đã chịu không ít những áp lực từ chính lãnh đạo bệnh viện thậm chí chị còn bị “tố ngược”, tuy nhiên với sự dũng cảm đấu tranh tới cùng chống lại những sai phạm để bảo vệ người bệnh, bảo vệ sự trong sạch ngành y, cuối cùng những sai phạm đã bị trả giá.
Chị Thuỷ và vụ tráo thuỷ tinh thể
Vụ việc đánh tráo thuỷ tinh thể tại bệnh viện mắt Hà Nội bắt đầu từ việc bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy tố cáo trực tiếp với Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị trong một lần tiếp xúc cử tri tại quận Hai Bà Trưng.
Theo đó, trong năm 2011 BV Mắt Hà Nội đã mổ cho khoảng 3.000 ca. Giá mỗi ca mổ khoảng 6,5 triệu đồng. Với số tiền này người bệnh sẽ phải được dùng toàn bộ chất liệu của Mỹ. Nhưng trên thực tế giám đốc BV Vũ Thị Thanh đã cho đấu thầu các chất liệu rẻ tiền để tráo đổi trong lúc phẫu thuật.
|
bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy một mình tố cáo những sai phạm ở BV Mắt Hà Nội |
Nghiêm trọng hơn, từ dịch nhầy Duovis của Mỹ (600.000 đồng/hộp) đã bị tráo sang dịch nhầy Ấn Độ rẻ tiền (chỉ có giá 245.000 đồng/hộp). Mặt khác thay vì chỉ dùng cho một bệnh nhân, thì mỗi ống dịch nhầy Ấn Độ lại được chia dùng cho từ 4-5 bệnh nhân. Sau khi khớp nối toàn bộ số liệu, các chị tính toán đã có khoảng 3.000 ca mổ bị tráo dịch nhầy. Như vậy qua nhẩm tính, số tiền gian lận đã lên đến hàng tỷ đồng.
Sau khi bị tố sự việc trên, phía bệnh viện cũng thừa nhận có sơ suất. Tuy nhiên, lãnh đạo bệnh viện cho rằng sai sót này thuộc về phòng tài vụ, do tự khắc dấu, đóng cho nhanh, không đúng quy trình. Đây là lỗi về hành chính của phòng tài chính.
Mặc dù vụ việc đã khép lại, không có cá nhân nào bị xử lý như vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, nhưng bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy rất xứng đáng được biểu dương vì đã dũng cảm đứng lên đấu tranh chỉ ra những vấn đề không minh bạch ở Bệnh viện Mắt Hà Nội.
Bác sĩ tố cáo gian lận trong chiếu chụp phim Xquang
Đây là vụ việc gây rúng động ngành y tế TP.HCM khi một bác sĩ (giấu tên) đã gửi đơn tố cáo hàng loạt sai phạm đã tồn tại từ rất lâu tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình (TP.HCM).
Tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, qua kiểm tra 32.033 phim chụp Xquang trong 3 tháng (10/2010, 10/2011 và 6/2012), Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phát hiện có đến 6.688 phim sai và phim cắt.
|
Vụ ăn bớt phim chấn động ngành y TP.HCM bị một bác sĩ tố cáo |
Bằng thủ đoạn cắt xén, tráo đổi và ghép phim Xquang, nhiều năm nay, một số bác sĩ ở đây đã “móc túi” nhiều tỷ đồng từ hàng vạn bệnh nhân. Thủ đoạn để “móc túi” người bệnh tại bệnh viện này là khi bệnh nhân được chỉ định chụp Xquang loại phim A (kích thước 35 x 43cm) thì kỹ thuật viên sẽ "phù phép" cắt xén một nửa khi chụp, chỉ còn kích thước 35 x 21,5cm.
Ngoài việc xén, kỹ thuật viên dùng thêm thủ thuật tráo đổi phim, bằng cách sử dụng loại phim A giá 42.000 đồng/tấm thay cho phim B (có kích thước 26 x 36cm) giá 23.000 đồng/tấm. Qua kiểm tra 1.126 phim chụp cho bệnh nhân ngoại trú còn lưu trữ trong tháng 10/2011, Thanh tra còn phát hiện có 444 trường hợp đổi phim (A thành B), chiếm tỉ lệ hơn 39,4%.
Theo Thanh tra Sở Y tế, nếu áp dụng tỷ lệ sai của phim B, C vào tổng số phim sử dụng hàng năm của bệnh viện thì số tiền sai lệch ước tính hơn 3,3 tỉ đồng. Riêng việc cắt, ghép phim tạo ra số lượng phim thừa 5 tháng cuối năm 2011 là 12.630 phim, tương đương gần 320 triệu đồng.
Ngoài những vụ việc trên, trong năm qua còn có thể thể kể đến rất nhiều “người hùng” áo trắng khác như: bác sĩ trưởng khoa Dược “tố” Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn về các sai phạm trong đấu thầu thuốc ở bệnh viện hay vụ việc tố cáo ăn bớt thuốc của bệnh nhân phong tại Bệnh viện Da liễu Hà Đông…Tất cả những hành động đó đều rất đáng để xã hội biểu dương vì họ đã giúp một phần không nhỏ nhằm chống lại những tiêu cực tồn tại trong ngành y tế và giúp cho ngành y tế trong sạch hơn.
Lê Phương (TH)