Phân bò, dê chữa ung thư?
Cộng đồng mạng từng xôn xao về một số bài thuốc từ phân bò trong đó có việc uống phân bò, dê khô chữa ung thư.
Bài thuốc uống phân bò khô chữa ung thư được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc sau đó chia sẻ và lan truyền trên mạng xã hội facebook.
|
Bài thuốc uống phân bò khô chữa ung thư được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc. Ảnh: Internet. |
Theo thông tin mà các cư dân mạng đăng tải thì một người phụ nữ bị ung thư phổi giai đoạn cuối ở Hồ Nam, Trung Quốc đã sử dụng phân bò và nước tiểu bò để sắc uống để chữa bệnh ung thư của mình. Mỗi ngày bệnh nhân này uống thuốc 2 bát to thuốc phân bò và cho rằng sức khỏe được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y học cổ, phân bò không thể chữa được ung thư như lời đồn đại. Dùng phân bò và nước tiểu bò để uống chỉ là cách điều trị bệnh thiếu hiểu biết.
Thực tế cũng chưa có chứng minh y học nào cho thấy phương thuốc này” có thể chữa khỏi căn bệnh ung thư. Không chỉ vậy uống phân bò, dê có tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe như nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng có trong phân vào cơ thể.
>>>Mời độc giả xem video: Sự thật về mãng cầu xiêm chữa ung thư (nguồn: VTC):
Nước tiểu bò chữa ung thư
Theo quan niệm của người Ấn Độ uống nước tiểu bò có lợi cho sức khỏe và chữa được ung thư.
Nước tiểu được hứng trực tiếp từ con bò thải ra và uống ngay không qua sơ chế. Nước tiểu bò còn được kinh doanh như hàng hóa thương mại. Sản phẩm này bán chạy không thua gì sữa bò. Nước tiểu bò chưng cất được bán với giá 25.000 đến 30.000 đồng/lít.
|
Ở Ấn Độ, nước tiểu bò có lợi cho sức khỏe và chữa được ung thư. Ảnh: Internet.
|
Những người yêu thích nước tiểu bò khẳng định nước này có thể chữa ung thư, tiểu đường, lao và những bệnh về đường ruột. Theo quan niệm chỉ lấy nước tiểu của những con bò chưa sinh nở và được lấy từ sáng sớm mới cho công dụng tốt nhất.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng nước tiểu bò là nguyên nhân gây nên các bệnh viêm màng não, viêm phổi, suy gan. Công dụng duy nhất của phân bò và nước tiểu bò được các nhà nghiên cứu ghi nhận đó là phân bò có thể chữa chứng khó tiêu, trong khi nước tiểu bò có thể chữa lành mụn nhọt… Tuy nhiên để sử dụng thì loại phân và nước tiểu bò phải qua rất nhiều bước xử lý.
Nuốt thằn lằn chữa khỏi ung thư?
Thời gian trước, dư luận rộ lên chuyện nuốt thằn lằn trị ung thư.Thực sự cách trị bệnh này liệu có an toàn và khoa học?
|
Nuốt sống thằn lằn để trị bệnh là nguy hiểm và không khoa học. Ảnh: NLĐ.
|
Trong y học cổ truyền, thạch sùng (thằn lằn) là một trong những loài bò sát được dùng làm thuốc từ rất lâu đời. Các y thư cổ như Bản thảo cương mục, Đường bản thảo, Thánh huệ phương, Thánh tễ tổng lục, Kỳ hiệu lương phương… đều có bàn đến thạch sùng được sử dụng làm thuốc với nhiều tên gọi khác nhau như: thằn lằn, mối rách, bích hổ, thủ cung, thiên long… Thạch sùng sống hoang khắp nơi ở vùng nhiệt đới, trong nhà. Nó thường xuất hiện vào ban đêm dưới ánh đèn để bắt muỗi và bướm.
Theo dược học cổ truyền, thạch sùng có vị mặn, tính hàn, có ít độc, có tác dụng bổ phế thận, ích tinh huyết, trấn tĩnh giản kinh (an thần, chống co giật)… thường được dùng chữa các chứng bệnh như trúng phong tê liệt (liệt bại do tai biến mạch máu não), trẻ em kinh phong (co giật), phá thương phong (uốn ván), trẻ em cam tích, tràng nhạc (lao hạch), hư lao khái thấu (ho nhiều do hư lao), khí suyễn (hen phế quản), khạc huyết (ho ra máu), dương nuy (liệt dương), viêm đa khớp dạng thấp, các chứng đau do thần kinh, ác sang (viêm loét ác tính), nấm da, cước khí…
Sách Tứ xuyên Trung dược chí còn ghi thạch sùng có công dụng “khu phong, phá huyết tích thành cục, trị thũng lựu (ung thư)”.
Tuy nhiên, cho đến nay, ở nước ta vẫn chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào về khả năng chữa bệnh ung thư của thằn lằn. Ngay cả hiệu quả thật sự của các bài thuốc nói trên, đa phần cũng chỉ là nghe qua lời kể của người bệnh, chưa có nhiều nghiên cứu xác nhận. Bởi thế, việc sử dụng thạch sùng chữa bệnh vẫn chỉ dừng lại ở mức độ kinh nghiệm rời rạc và thiếu tính thuyết phục, thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc do không làm đúng cách. Do đó, người bệnh không nên tự ý sử dụng thạch sùng làm thuốc để tránh những hậu quả khó lường.
PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, hiện có nhiều phương pháp điều trị ung thư lan truyền trên mạng, tuy nhiên không mang lại hiệu quả. Hay nhiều trường hợp khác bỏ sang dùng thuốc nam, thuốc bắc cũng không qua khỏi, làm lỡ cơ hội vàng chữa bệnh nếu áp dụng các biện pháp điều trị chính thống. Theo ông Thuấn, người dân và bệnh nhân cần tìm hiểu và tham khảo các nguồn thông tin, tài liệu chính thống về phòng chống căn bệnh này từ các bác sĩ chuyên khoa và các cơ sở y tế, các hiệp hội ung thư uy tín. Bệnh nhân ung thư cần hỏi bác sĩ chẩn đoán, điều trị để hiểu rõ về bệnh tình, các phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng và tiên lượng. “Điều trị ung thư là vấn đề rất lớn, rất phức tạp và đòi hỏi chuyên môn sâu, kết hợp đa mô thức, đa chuyên khoa mới có thể hiệu quả. Không nên dễ dàng cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian, đánh mất cơ hội điều trị…”, ông Thuấn khuyên.
Thảo Nguyên (tổng hợp)