Bệnh hẹp động mạch cảnh là tình trạng lòng động mạch cảnh bị hẹp lại do mảng vữa xơ phát triển dầy lên từ thành mạch, làm giảm lưu lượng dòng máu não. Mảng vữa xơ có thể gây nên huyết khối tắc mạch tại chỗ hoặc di chuyển gây tắc mạch não.
Nếu bệnh nhân có triệu chứng như đột ngột bị yếu, tê bì nửa mặt, nửa người hoặc chỉ một bên tay/chân, khó nói hoặc không nói được, mất thị lực một bên... sau vài phút đến vài giờ thì hết và hồi phục hoàn toàn; nhưng cũng có thể không hồi phục... nhiều khả năng bệnh nhân bị hẹp động mạch cảnh (động mạch cấp máu não), thể hiện bằng cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc nặng hơn là nhồi máu não!
Đột quỵ nhồi máu não: Là tình trạng tế bào não bị chết do dòng máu nuôi não bị tắc đột ngột và không hồi phục lưu thông trong vòng 6 - 8 giờ. Triệu chứng thần kinh khi bị nhồi máu não phụ thuộc vào vị trí, kích thước động mạch bị tắc như đột ngột hôn mê, lú lẫn, chậm chạp, nhưng có thể ý thức vẫn bình thường, kèm theo hoặc không kèm theo kích thích vật vã, liệt nửa mặt (méo miệng, uống nước bị rớt ra ngoài...), liệt nửa người (bị rơi đồ vật đang cầm trên tay, bị ngã khi đang đi đứng), nói khó hoặc không nói được...
Cơn thiếu máu não thoáng qua: Là tình trạng thiếu máu não gây ra các triệu chứng tương tự như đột quỵ nhồi máu não, nhưng hồi phục nhanh và hoàn toàn sau vài phút, vài giờ và không quá 24 giờ. Đây là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ nặng có thể xảy ra trong tương lai gần ở khoảng 30 - 40% số bệnh. Chính vì vậy, bệnh nhân và gia đình bệnh nhân không được bỏ qua triệu chứng này (kể cả đã hồi phục hoàn toàn), cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để chẩn đoán xác định và can thiệp điều trị kịp thời, không bỏ lỡ cơ hội cứu sống bệnh nhân và phục hồi nhanh các triệu chứng thần kinh.
TS Lê Văn Trường (Trưởng khoa Can thiệp mạch, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)