Phát hiện chất gây ung thư từ khoai tây chiên

Google News

(Kiến Thức) - Theo các nhà khoa học, chất acrylamide có trong khoai tây chiên, ngoài việc có thể gây ung thư thì nó còn ảnh hưởng lớn đến thần kinh, sinh sản.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm đã có thông báo về việc sẽ lấy mẫu một số thực phẩm như bim bim, café, khoai tây chiên để kiểm nghiệm tìm ra chất gây ung thư có tên acrylamide khiến không ít người dân hoang mang lo lắng.
Theo tìm hiểu của Kiến Thức tại một số cửa hàng đồ ăn nhanh trên địa bàn Hà Nội, không ít người còn tỏ ra khá ngạc nhiên với thông tin này. Nhiều người còn cho rằng, đó chỉ là tin đồn nhằm hạ thấp uy tín của các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau.
Còn tại các điểm bán đồ ăn nhanh như khoai tây chiên, bắp bơ, xúc xích rán …ở khu vực cổng các trường học hoặc nơi tập trung đông dân cư, đa số người dân không biết thông tin này. Thậm chí có người còn tỏ ra thờ ơ khi cho rằng: “tỉnh thoảng mới ăn nên không sợ!”.
 Không chỉ có tại các cửa hàng lớn, đồ ăn nhanh còn được bán dạo rất nhiều ở các cổng trường và nơi tập trung đông dân cư. Ảnh: Lê Phương.
Nói về việc lấy mẫu kiểu tra các sản phẩm này, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Quang Trung cho biết, sở dĩ Cục ATTP đề nghị Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia triển khai gấp việc lấy mẫu xét nghiệm là do xuất phát từ cảnh báo của Cơ quan Quản lý ATTP châu Âu (EFSA), khi cơ quan này phát hiện hóa chất có tên là acrylamide gây ung thư được tìm thấy trong bim bim, cà phê, khoai tây chiên, bánh mì nướng bị cháy và một số loại thức ăn nhanh của trẻ em gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Được biết, kết quả lấy mẫu và kiểm nghiệm sẽ có trước ngày 21/7 năm 2014.
Trả lời báo chí, ông Trung cũng cho biết thêm: “Cũng cần nói rõ, đây là đợt lấy mẫu để xét nghiệm ngẫu nhiên không nhắm vào duy nhất một sản phẩm nào và các sản phẩm được chọn xét nghiệm chưa hẳn sẽ có những chất gây hại nói trên”.
Được biết acrylamide là hợp chất được tạo ra một cách tự nhiên khi thức ăn giàu carbonhydrate và tinh bột được chiên, rán, nướng ở nhiệt độ cao (từ 170 – 180­ độ C).
Trước đó, năm 2010, Tổ chức Nông Lương Liên hợp của Mỹ và Ủy ban Chuyên gia về phụ gia thực phẩm của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cũng đã từng đề cập đến acrymilade như một quan ngại chính thức cho sức khỏe cộng đồng.
Năm 2013, Ủy ban Các tiêu chuẩn thực phẩm của Anh (FSA) từng phát hiện mức acrylamide tăng cao trong các thực phẩm chiên, bim bim khoai tây, khoai tây chiên, bánh quy gừng và bột ngũ cốc ăn sáng. Tại Mỹ, Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) đã có quy định áp dụng cho các loại nước uống chứa acrylamide.
Tuy nhiên, cơ chế của acrylamide gây ra ung thư vẫn hiện chưa có bằng chứng khoa học chứng minh. Các chuyên gia y tế cho rằng, việc tiếp xúc nhiều với acrylamide khiến cơ thể đổ mồ hôi, đi tiểu không kiểm soát, buồn nôn, đau mỏi cơ…
 Ngoài việc có thể gây ung thư acrylamide còn được cảnh báo là có ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh và khả năng sinh sản.
Ngoài việc có thể gây ung thư, acrylamide còn được cảnh báo là có ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh và khả năng sinh sản ở cả nam và nữ giới.
Trước những thông tin trên của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học cho rằng, người dân cần bình tĩnh chờ kết quả kiểm nghiệm cụ thể và cần phải có thói quen trong nấu nướng, tránh biến thực phẩm thành thuốc độc.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), biện pháp hữu hiệu để dự phòng acrylamide sinh ra trong thực phẩm chính là xử lý đúng cách những sản phẩm thực phẩm chứa tinh bột.
Ví dụ như: ngâm khoai tây trong nước ít nhất 30 phút trước khi chiên; chia thành nhiều lát nhỏ khi nướng bánh mì; thực phẩm không nên rán hoặc nướng lại nhiều lần, hạn chế dùng dầu đã qua sử dụng để rán, chiên thức ăn quá lâu; khi chế biến thức ăn từ tinh bột và đường tránh quá lửa làm cho nhiệt độ quá cao trong thời gian dài hay hạn chế sử dụng các đồ ăn chiên hay nướng ở nhiệt độ cao từ 150 đến 250 độ C…
Minh Hoàng