|
Ảnh minh họa. |
1. Thể âm hư dương vượng: Người bệnh thấy đau đầu, chóng mặt, ù tai, mặt đỏ, bốc hỏa lên đầu, tính tình hay cáu gắt, khó chịu trong người, ăn không ngon, ngủ không sâu, môi khô lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. Phép chữa: Tư âm giáng hỏa. Bài thuốc: Thiên ma 9g, đỗ trọng 9g, câu đằng 12g, ích mẫu 9g, thạch quyết minh 18g, dạ giao đằng 9g, chi tử 9g, phục thần 9g, hoàng cầm 9g, tang ký sinh 9g, ngưu tất 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Bài thuốc này có tác dụng bình can tức phong, thanh nhiệt hoạt huyết, bổ ích can thận, giảm đau, hạ áp.
2. Thể can thận hư: Người bệnh thấy đau đầu, chóng mặt, ù tai, đau lưng, mỏi gối, hay nằm, ngại vận động, người mệt mỏi, hay sợ sệt, hoảng hốt, ăn kém, ngủ ít. Phép chữa: Tu dưỡng can thận. Bài thuốc: Bạch thược 8g, thục địa 32g, đương quy 12g, hoài sơn 16g, sơn thù 8g, mẫu đơn 12g, trạch tả 6g, phục linh 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Bài thuốc này có tác dụng nâng cao sức đề kháng, bổ can thận, bổ khí huyết.
3. Thể tâm tỳ hư: Người bệnh thấy mệt mỏi, chân tay rã rời, da xanh tái, sắc mặt nhợt, hay hoa mắt chóng mặt, ăn ngủ thất thường, đi ngoài phân loãng, rêu lưỡi mỏng, chất lưỡi bệu. Phép chữa: Kiện tỳ - bổ phế - an thần. Bài thuốc: Bạch truật 6g, nhân sâm 4g, long nhãn 8g, hoàng kỳ 6g, đương quy 4g, đan bì 4g, cam thảo 2g, táo nhân 6g, viễn chí 3g, mộc hương 2g. Sắc uống ngày 1 thang.
Tuy có bài thuốc cho từng thể bệnh, nhưng để chữa trị, người bệnh vẫn phải đi khám trực tiếp. Tùy theo thể trạng từng người, người đó có mắc thêm bệnh gì mạn tính khác không... mà thầy thuốc sẽ gia giảm các vị thuốc cho phù hợp.
BS Kim Ngân (nguyên cán bộ Bệnh viện Y học Cổ truyền T.Ư)