Phục hồi chức năng sau tai biến

Google News

(Kiến Thức) - Huyết áp cao là cánh cửa của nhiều biến chứng. Một trong những di chứng hay gặp nhất là liệt nửa người. Nếu không được điều trị sớm, người bệnh có thể liệt suốt đời...

Liệt bên phải sau lần tai biến
Tôi tới phòng khám phục hồi chức năng Đông Hồ, Thụy Khê, Hà Nội vào những ngày nắng nóng cao điểm tại miền Bắc. Phải sau vài tiếng đồng hồ chờ đợi, TS Nguyễn Văn Chương, chủ phòng khám mới dành cho tôi chút thời gian.
Lật cuốn sổ ghi bệnh án có đầy đủ tên, tuổi bệnh nhân, số điện thoại, ngày đến chữa trị, thời gian hiệu quả, TS Nguyễn Văn Chương dừng lại ở bệnh nhân Vũ Thị Vĩnh, 76 tuổi, Lạc Long Quân, Hà Nội và bắt đầu kể cho tôi hay: Bà Vĩnh khi được đưa tới phòng khám phải có người nhà bế vào, bà bị liệt nửa người bên phải, tay phải yếu, không cầm nắm, đi đứng được, mọi sinh hoạt từ việc nhỏ nhất là chải đầu bà cũng phải nhờ đến người nhà. Bà Vĩnh có tiền sử cao huyết áp lâu, người béo. Tháng 12/2013, bà bị tai biến đưa vào bệnh viện điều trị nhiều nơi nhưng không khỏi, bà vẫn phải tập sinh hoạt bằng tay trái thay cho tay phải bị liệt. Nhưng sau khi điều trị 1 tháng tại phòng khám này, bà đã bình phục sức khoẻ, vận động, sinh hoạt trở lại như xưa...
 TS Nguyễn Văn Chương hướng dẫn bệnh nhân tập động tác dây ròng rọc.
Kết hợp nhiều biện pháp để phục hồi
Chia sẻ về bí quyết phục hồi chức năng sau liệt cho người tai biến, TS Chương cho biết, điều đầu tiên cần dùng một số thuốc cho người bệnh ổn định huyết áp. Sau đó thực hiện một số biện pháp sau:
* Kích thích các huyệt: Đây là liệu pháp vật lý, kích thích các huyệt thần kinh cơ với các huyệt từ cổ tay đến gáy như hợp cốc, kiên phong, kiên tỉnh... Sau đó massage, xoa bóp các bắp cơ, day trên các huyệt này, vận động từ các ngón tay trở lên.
* Chườm ngải hoặc muối: Những bệnh nhân này nên dùng khoảng 2kg muối rang nóng rồi chườm vào các vùng đau, khó cử động ngày 2 lần trong ngày. Hoặc dùng lá ngải cứu sao vàng, bọc vải chườm như vậy cũng có tác dụng rất tốt.
* Phương pháp vận động:
- Nắm duỗi: Người bệnh có thể dùng quả bóng hằng ngày cầm nắm, xoay vòng tròn để cho tay mềm, dẻo.
- Xoay cổ tay: Đan 2 tay vào nhau để tay lành đỡ tay liệt, rồi từ từ xoay nhẹ nhàng cổ tay, bàn tay theo chiều kim đồng hồ.
- Tập bằng ròng rọc: Đây là biện pháp tốt nhất đối với người liệt tay. Người bệnh dùng dây chun chằng đồ cheo lên một chiếc xà, rồi 2 tay nắm vào dây kéo lên, kéo xuống nhịp nhàng, đưa tay sang phải, sang trái ngày 2 lần, mỗi lần làm như vậy      30 nhịp.
- Vận động khớp vai: 2 tay đan vào nhau, tay lành đỡ tay liệt, xoay bả vai theo chiều kim đồng hồ.
* Phương pháp ngâm: Người bệnh cần kiên trì hằng ngày ngâm nước nóng bằng thảo dược bằng cách đập củ xả, gừng nát cho vào chiếc xô, cho nước nóng vào, khi nước ấm thì cho tay chân càng ngập nước cao càng tốt.
Đối với người liệt do tai biến mạch máu não, theo TS Nguyễn Văn Chương cần chú ý không nên nằm nghiêng về phía bên liệt, cố gắng duỗi thẳng nhằm tránh co và để tay lên người hoặc lên chăn cho máu dễ dàng về tim, làm nhiều lần động tác 2 tay đan vào nhau đặt lên đỉnh đầu ngồi thư giãn.
Lương y Nguyễn Minh, Trung tâm Y tế Việt - Nga chia sẻ, y học cổ truyền có nhiều phương pháp để cải thiện di chứng liệt sau tai biến mạch máu não như châm cứu, bấm huyệt, kết hợp dùng các bài thuốc... Tuy nhiên, để bệnh mau khỏi thì người bệnh cần kiên trì tập luyện, luôn giữ huyết áp ổn định, tránh tai biến lần sau vì sẽ nặng hơn nhiều.
Phạm Hằng