Sự kỳ diệu của y học cổ truyền khi chữa tiểu ra máu

Google News

(Kiến Thức) - Khi bị nhiễm khuẩn tiết niệu mạn tính, nếu không điều trị triệt để thì dần dần bệnh nhân dẫn đến viêm đài bể thận (viêm thận kẽ) và cuối cùng dẫn đến suy thận.

Y học cổ truyền chia nhiễm khuẩn tiết niệu (NKTN) thành 2 thể cấp tính và mạn tính. Thể cấp tính xếp vào dạng bàng quang thấp nhiệt, nhiệt lâm còn thể mạn tính xếp vào dạng thận hư (khí lâm).
Đi giải ra cả bãi máu
Tại Khoa Thận - Tiết Niệu, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam luôn có vài chục bệnh nhân từ ngoại trú đến nội trú điều trị thận - tiết niệu. Cầm cuốn sổ bệnh án của bệnh nhân Trần Thị Phương Lan (54 tuổi, Long Biên, Hà Nội) mới thấy sự kỳ diệu của y học cổ truyền trong điều trị bệnh lý mạn tính thận - tiết niệu.
Chị Lan nhập viện vào ngày 14/6/2013 trong tình trạng sốt nhẹ, hoa mắt chóng mặt, thường bốc hỏa ra mồ hôi, tiểu nhiều lần, đại tiện ngày 2 - 3 lần phân chua, sôi và trướng bụng, tiểu ra máu nhiều, thậm chí cả bãi máu...  Tiền sử chị bị tăng huyết áp, viêm đại tràng mạn tính. Trước đó, chị đã điều trị nửa tháng Tây y tại bệnh viện với kết luận nhiễm khuẩn tiết niệu, nhưng khi tiểu són, rắt đỡ hơn thì chứng phù lại xuất hiện. 
Sau khi được làm xét nghiệm tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh thì chỉ số axit uric tăng cao, men gan tăng cao, siêu âm ổ bụng thấy thận phải có 1 nang kích thước 7 x 7mm, thận trái có 1 nang kích thước 8 x 8mm. Các bác sĩ tại đây đã tiến hành nuôi cấy nước tiểu thì phát hiện vi khuẩn E.coli gây bệnh...
Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Lan, TS.BS Lê Thị Thanh Nhạn, Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam cho biết, bệnh nhân có mạch trầm nhược, chất lưỡi rêu đỏ bẩn được kết luận nhiễm khuẩn tiết niệu mạn tính. Tuy nhiên, dưới sự kết hợp của y học hiện đại và y học cổ truyền, bệnh nhân điều trị 2 tuần đã hết các triệu chứng trên và trả lại chất lượng sống cho bệnh nhân.
TS.BS Lê Thị Thanh Nhạn khám cho bệnh nhân nhiễm khuẩn tiết niệu. 
Kết hợp ba bài thuốc y học cổ truyền
Ngay sau khi có kết quả cụ thể, bệnh nhân Lan đã được áp dụng điều trị kháng sinh đồ theo Tây y để giảm viêm. Sau đó, bệnh nhân được điều trị kết hợp 3 bài thuốc của y học cổ truyền. Đó là bài nhị diệu tán gồm ý dĩ, thương truật... có tác dụng kiện tỳ, trừ thấp; bài thúc tuyền hoàn gồm kim anh, ô dược, hoài sơn có tác dụng bổ thận, bổ khí, chữa các chứng di niệu, di tinh và bài thuốc bát chính tán gồm vị hoạt thạch, cam thảo, bông mã đề giúp kiện tỳ, thông lợi tiểu tiện. 
Khi điều trị được 3 ngày bằng thuốc Đông y, bệnh nhân đã không còn đi giải ra máu, tiểu rắt, tiểu són giảm. Sau điều trị 2 tuần bệnh nhân đã khỏi hẳn chứng bệnh này, đại tiện ngày 1 lần và các nang trong thận không còn nữa.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu, TS.BS Lê Thị Thanh Nhạn cho hay, nhiễm khuẩn tiết niệu là một bệnh lý hay gặp ở nữ giới hơn nam, tỷ lệ mắc bệnh tăng theo lứa tuổi do phụ nữ trải qua quá trình sinh nở, kèm theo một số bệnh phụ khoa, sức đề kháng kém... Bệnh này nếu không được điều trị thì ngoài việc giảm chất lượng cuộc sống, bệnh nhân có thể mắc viêm đài bể thận, thậm chí suy thận. 
Nhiễm khuẩn tiết niệu nếu được điều trị kết hợp cả Tây y và Đông y sẽ cho kết quả tốt nhất. Tây y dùng kháng sinh giúp diệt khuẩn, còn Đông y giúp bổ trợ các thuốc kháng sinh có tác dụng tốt hơn khiến bệnh nhân không bị tác dụng phụ khi dùng thuốc, mặt khác nó cải thiện các triệu chứng lâm sàng nhanh, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Để phòng bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu thì nam và nữ cần kiểm tra và điều trị các bệnh lý phụ khoa, nam khoa. Nếu một trong hai đã mắc bệnh thì cần điều trị cả hai vợ chồng.
Phạm Hằng