Tăng huyết áp: cảnh giác với đột quỵ

Google News

Nắng nóng gay gắt khiến đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ người nào bị tăng huyết áp (THA), với NCT thì càng chiếm tỉ lệ cao hơn.

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) xảy ra quanh năm nhưng khi thay đổi thời tiết (nắng quá, lạnh quá) gặp nhiều hơn. Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong được xếp vào loại thứ 3 sau bệnh tim mạch và ung thư. Theo thống kê thì mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 5 triệu người bị đột quỵ, riêng Việt Nam mỗi năm có khoảng 200.000 người, trong đó tử vong có khoảng 100.000 người.
Tang huyet ap: canh giac voi dot quy
Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong được xếp vào loại thứ 3 sau bệnh tim mạch và ung thư 
Nguyên nhân gây đột quỵ
Đột quỵ là tình trạng não bị thiếu máu một cách đột ngột do máu đến rất ít hoặc không đến được do hẹp hoặc do tắc nghẽn động mạch não. Khi máu lên não bị thiếu với bất kỳ lý do gì thì các tế bào não bộ sẽ ngưng hoạt động và có thể bị chết trong vài phút, dẫn đến cơ thể yếu, tê bì, mất cảm giác nửa người, không nói được (do tê, liệt), miệng méo, mắt nhắm không được hoặc hôn mê ngay sau đó, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Nhiều trường hợp được cứu sống nhưng có thể bị tàn phế suốt đời, giảm tuổi thọ và không còn khả năng lao động...
Nguyên nhân của đột quỵ là do có tổn thương mạch máu gây xuất huyết não (mạch máu não bị vỡ) hoặc nhồi máu não (mạch máu não bị tắc nghẽn). Đột quỵ thường gặp ở những người trên 55 tuổi có tăng huyết áp (tai biến mạch máu não do tăng huyết áp). Đây là hiện tượng tắc mạch máu não (nhồi máu não) và do chảy máu não (xuất huyết não) bởi bệnh tăng huyết áp (THA) hoặc THA có kèm theo xơ vữa động mạch. Khi xơ vữa động mạch thì thành của lòng động mạch bị dày lên, xù xì làm xơ cứng, hẹp lòng động mạch gây cản trở lưu thông dòng máu, và tạo điều kiện cho sự hình thành cục máu đông. Cục máu đông sẽ bị chặn lại những nơi mạch máu nhỏ (động mạch nuôi tim, não bộ) gây tắc mạch. Các mảng xơ vữa động mạch cũng có thể bị bong ra và cũng gây nên tắc mạch ở những nơi lòng động mạch hẹp (mạch máu não, mạch vành tim).
Đột quỵ cũng có thể xảy ra nhiều hơn ở người bệnh vừa THA vừa có đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì hoặc có nghiện thuốc lá, nghiện bia, rượu, căng thẳng thần kinh (stress). Vì vậy, khi những động mạch đưa máu lên não bị tắc nghẽn, não sẽ bị thiếu chất dinh dưỡng và oxy, dẫn đến đột quỵ. Đây là một loại bệnh nặng, có tỉ lệ tử vong cao và nếu qua cơn nguy kịch thường để lại nhiều di chứng làm mất khả năng lao động, giảm trí nhớ, lú lẫn, liệt. Đáng nói là sự thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng bệnh xuất hiện nhiều hơn. Vì vậy, những bệnh nhân, vốn đã có những bệnh lý về tim mạch, cao huyết áp khi nóng lạnh đột ngột xảy ra (nghỉ mát ở xứ lạnh như Sapa, Đà Lạt, tắm biển lúc xế chiều gió lạnh, đang ở trong phòng máy lạnh đột ngột đi ra ngoài nóng) thì rất dễ rơi vào đột quỵ, nhất là ở NCT.
Triệu chứng của đột quỵ
Ở người THA khi thấy hơi nhức đầu, choáng váng, tê nửa người, ngáp vặt liên tục thì cần cẩn thận, có thể là các dấu hiệu tiền triệu của đột quỵ. Vì vậy, triệu chứng của đột quỵ thường khởi đầu là nhức đầu, chóng mặt, mất định hướng, yếu một tay, một chân cùng phía, miệng méo, nhân trung lệch sang bên lành, nói khó. Nhiều trường hợp xảy ra đột ngột vào ban đêm cho nên bản thân người bệnh và người nhà không thể biết được, khi phát hiện thì đã hôn mê, đại, tiểu tiện không tự chủ. Biểu hiện lâm sàng do tắc mạch não hay do xuất huyết não rất khó xác định mà cần dựa vào tiền sử bệnh, các xét nghiệm cần thiết như X-quang sọ não, chụp CT não, nếu có điều kiện thì chụp cộng hưởng từ (MRI) não.
Nguyên tắc sơ cứu và phòng bệnh
Khi có triệu chứng khởi đầu của đột quỵ xảy ra thì người nhà nên nới lỏng quần áo và để người bệnh nằm ở trên mặt phẳng, gối đầu cao khoảng 30 độ và ở tư thế nằm nghiêng để tránh nguy cơ bị sặc do các chất tiết ra từ miệng. Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống gì hoặc uống bất kỳ một loại thuốc nào khi nghi ngờ bệnh nhân bị đột quỵ. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo thì bảo người bệnh thở thật sâu và đều vì sẽ giúp cho máu lên não tốt hơn. Và sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, tránh đưa bệnh nhân đi xa vì thời gian di chuyển kéo dài càng làm cho tình trạng bệnh sẽ nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn.
Đề phòng đột quỵ thì cần loại trừ các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ và phòng ngừa tái phát đối với bệnh nhân bị đột quỵ. NCT cần được khám bệnh định kỳ, đặc biệt là những người có bệnh về tăng huyết áp hoặc có kèm đái tháo đường hoặc kèm theo tăng mỡ máu. Cảnh giác với nóng, lạnh đột ngột. Mỗi lần dùng máy điều hòa nhiệt độ thì nên để nhiệt độ khoảng từ 26 - 27oC là vừa. Không nên tắm nước lạnh quá và không nên tắm biển vào lúc đã hết mặt trời (vì lúc đó nhiệt độ của nước là lạnh và lại gió mạnh). Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để hạn chế xơ vữa động mạch như: hạn chế ăn mỡ động vật, ăn nhiều cá (tốt nhất mỗi tuần ăn 2 - 3 lần cá thay cho ăn thịt), ăn nhiều rau, uống đủ lượng nước hàng ngày (tránh cô đặc máu sẽ hình thành huyết khối). NCT nếu nghiện thuốc lá mà cai được thì tốt, không nên lạm dụng bia, rượu, có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất, hạn chế ăn mặn và hạn chế ăn tinh bột (cơm). Đối với bệnh THA, đái tháo đường, tăng mỡ máu… để phòng đột quỵ thì nên điều trị theo đơn của bác sĩ khám bệnh nhằm duy trì huyết áp ở mức trung bình và thực hiện chế độ sinh hoạt hợp lý.
PGS.TS. Bùi Khắc Hậu/theo suckhoedoisong