Muốn biết chính xác phải phân tích sắc ký
Theo TS Phạm Kim Đăng, Trưởng phòng Phân tích, Khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, omega 3 là tiền chất của axit béo không no DHA (Docosa Hexaenoic Acid với 22 carbon, 6 nối đôi) và EPA (Eicosa Pentaenoic Acid, 20 carbon, 5 nối đôi). Chất này tốt cho sức khoẻ ở khía cạnh, thành phần của não là chất béo, trong đó DHA chiếm khoảng 1/4 lượng chất béo này nên não cần một lượng axit béo omega 3 (nhất là DHA) để phát triển và duy trì hoạt động.
Ngoài ra, DHA kìm hãm sự lão hóa não, ngăn ngừa suy giảm trí nhớ, giảm lượng triglycerid máu, giảm bệnh tim mạch, giúp da khoẻ, mềm mại, tươi trẻ. Đối với trẻ em có xu hướng những trẻ được bổ sung DHA thông minh, phát triển kỹ năng tốt hơn. Omega 3 còn cần thiết cho phát triển hoàn thiện chức năng nhìn của mắt, giảm nguy cơ đái tháo đường, giảm triệu chứng viêm khớp dạng thấp, chống trầm cảm... Tuy nhiên, trên thực tế người ta nói đến công dụng đối với tim mạch nhiều nhất.
Theo vị chuyên gia này, để có trứng chứa hàm lượng cao chất omega 3 so với loại thường, gà phải được nuôi bằng thức ăn giàu omega 3 như rau xanh và côn trùng có chứa hàm lượng cao axit béo omega 3 hơn so với thức ăn thông thường là ngô, cám... Đó là các loại rau có lá xanh như rau má, rau cải, tảo biển, rau bồ công anh và rau sam. Ngoài ra, gà còn được bổ sung thêm các thức ăn như hạt lanh, dầu hạnh nhân, dầu lanh, dầu cải và dầu gai. Thậm chí ăn cá biển như cá hồi, cá sardin, cá trích, cá ngừ...
Tuy nhiên, chuyên gia về phân tích này cũng cho hay, trứng gà giàu omega 3 sẽ tốt hơn cho sức khoẻ nên có thể đó là một lựa chọn nhưng phải được kiểm định chất lượng giàu omega 3. Vấn đề khó khăn ở đây là không thể nhận biết trứng gà omega bằng cảm quan hay mùi vị... mà phải phân tích sắc ký. Đây là việc làm này rất phức tạp và đắt đỏ.
|
Ảnh minh họa. |
Cân đối chất béo không tốt
Ở góc độ dinh dưỡng, TS Phạm Kim Đăng cũng khuyến cáo người sử dụng rằng, chất béo nói chung khi chế biến ở nhiệt độ cao kéo dài hoặc bảo quản không tốt thường bị phân hủy và sinh các độc chất như acrolein, các gốc oxy hóa... Vì vậy, cần bảo quản chất béo ở nơi tối, mát, khô ráo và không dùng lại dầu mỡ đã qua sử dụng.
"Trường hợp nếu chỉ luộc, rán, ốp lết thông thường ít ảnh hưởng đến hàm lượng omega 3. Ăn trứng gà tươi tốt hơn nhưng về mặt vệ sinh, sự an toàn không nên khuyến cáo sử dụng, đặc biệt trong điều kiện dịch cúm đang diễn ra phức tạp", TS Phạm Kim Đăng phân tích.
Còn ThS Nguyễn Thục Quyên, Công ty Cổ phần thực phẩm Hà Nội cho hay, các nhà bán trứng gà omega 3 hiện nay thường quảng cáo các chất có lợi cho sức khoẻ như omega 3, DHA, vitamin, protein... nhưng ít đề cập đến các hàm lượng chất béo khác chưa tốt cho sức khoẻ như cholesterol. Trong khi đó, theo nguyên lý, trứng gà dù là loại thường hay giàu omega 3 vẫn có hàm lượng cholesterol tương đối khoảng 120 - 220mg trong lòng đỏ. Đây cũng là nơi chứa nhiều omega 3 nhất của trứng.
Vì thế, việc ăn trứng gà loại nào cũng cần cân nhắc sao cho phù hợp với tình trạng sức khoẻ của mỗi người. Theo đó, trẻ con ăn trứng gà giàu omega 3 có thể an toàn. Còn người lớn, đặc biệt là người cao tuổi, có tiền sử bệnh tiểu đường hay tim mạch cần cân nhắc và theo dõi khi ăn khoảng 3 - 4 quả mỗi tuần. Ngoài ra, nếu cần chỉ nên ăn lòng trắng thay vì lòng đỏ. Tất nhiên, lúc này trứng gà giàu omega 3 sẽ không còn tác dụng bổ trợ.
"Không cần phải chuộng quá mức sản phẩm này. Thay vào đó, có thể bổ sung omega 3 bằng các thức ăn hằng ngày như rau xanh, cá, dầu gan cá... Đối với người mua trứng gà giàu omega 3 cần kiểm tra bao bì cẩn thận, đọc các hàm lượng, xác định hàm lượng omega 3 phải ít nhất từ 250mg trở lên".
ThS Nguyễn Thục Quyên
Hiền Dung