Top căn bệnh “thách đố” y học Việt Nam năm 2013

Google News

(Kiến Thức) - Trong năm 2013, ở Việt Nam xuất hiện không ít những căn bệnh lạ khiến ngành y tế phải đau đầu để tìm ra phác đồ điều trị.

Bệnh rụng tứ chi
Ngày 13/8, anh Nguyễn Hoàng Gia Bảo (18 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng tất cả các bàn chân, bàn tay đã bị "rụng" trụi lủi, chỉ còn trơ phần vảy sừng đang tiếp tục bong ra từng lớp; cẳng chân trái sưng phù, thối rữa. Các bác sĩ đã cắt lọc phần hoại tử và điều trị tích cực cho bệnh nhân.
 Bệnh nhân bị rụng tứ chi
Theo bác sĩ Nguyễn Đặng Thuận An, Khoa Huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy, qua xét nghiệm, các bác sĩ chưa thể tìm ra nguyên nhân bệnh trạng của bệnh nhân. Hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ nhận định có thể bệnh nhân đã mắc phải loại bệnh Na De Mellda (mới chỉ ghi nhận vài ca trên thế giới). Bệnh viện đang lên kế hoạch hội chẩn với các chuyên gia y tế thế giới để tìm hướng điều trị cho bệnh nhân.
Các kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy anh Bảo bị nhiễm trùng da, thiếu máu, cơ chế sinh máu không bình thường, thiếu hormone sinh dục…Được biết, hàng chục năm qua, gia đình chạy chữa cho anh bảo bằng thuốc đông y nhưng gần như vô vọng.
Ca bệnh lạ đầu tiên trên thế giới
Ngày 19/11, bác sĩ Hoàng Văn Minh - Trưởng phòng khám da liễu Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, giám đốc Trung tâm U máu Đại học Y dược TP.HCM - cho biết đã khám và phát hiện một bệnh nhân bị bệnh dày da viêm màng xương kết hợp bệnh to đầu chi, viêm gan siêu vi B đầu tiên trên thế giới.
Theo bác sĩ Hoàng Văn Minh, anh C.H.Q. (28 tuổi, Quảng Ngãi) trước khi đến Bệnh viện Đại học Y dược TP đã đi khám vài nơi nhưng chưa chẩn đoán được bệnh. Anh Q. kể cách đây khoảng ba năm, ở giữa trán và hai sống mũi của anh xuất hiện hai đường lồi lõm, gồ ghề như luống rau…
 Bệnh nhân bị ca bệnh lạ đầu tiền trên thế giới ở Việt Nam
Nghi ngờ bệnh nhân có vấn đề về nội tiết, bác sĩ cho kiểm tra (chụp CT, xét nghiệm nội tiết tố) thì phát hiện bệnh nhân có khối u ở não (u nằm ở tuyến yên). Kết quả chụp X-quang xương đùi, xương cẳng chân còn phát hiện bệnh nhân bị tổn thương xương, màng xương dày lên và tạo xương mới ở đầu xương. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân bị viêm gan siêu vi B.
Bác sĩ Hoàng Văn Minh khẳng định bệnh này không thể điều trị khỏi được mà chỉ có thể làm giảm việc phát triển của bệnh và giúp bệnh nhân có gương mặt dễ nhìn hơn. Tuy nhiên việc phẫu thuật, điều trị chỉ giúp giải quyết cải thiện sự già hóa của bệnh nhân.
Giun bò lổm ngổm dưới da
Trong năm 2013, trên cả nước đã xuất hiện nhiều trường hợp bệnh nhân phải nhập viện vì chung tình trạng, bị ký sinh trùng “chui” vào cơ thể và bò lổm ngổm dưới da.
 Bệnh nhân bị giun bò dưới da
Điển hình như trường hợp bệnh nhân Lê Lan, 41 tuổi (Khương Đình, Hà Nội) hay trường hợp của anh Văn Viết Điền (42 tuổi, Bình Phước) phải nhập viện với tình trạng bị bong tróc da, toàn thân loang lổ, đốm đen, đốm trắng, sụt cân nghiêm trọng. 
Sau khi mang mẫu máu của anh Điền đi xét nghiệm, kết quả cho thấy anh nhiễm bốn loại ký sinh trùng là amip tiêu hóa, giun đũa Toxocara SP, giun lươn Strongyloides Stercoralis và sán dải heo Cysticercose. Những loại ký sinh trùng này có thể ký sinh dưới da của thân chủ và gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Theo các chuyên gia về ký sinh trùng, mức độ nguy hiểm của từng loại giun, sán còn phụ phuộc vào nơi cư trú như: phổi, tá tràng, ruột, não… hay phụ thuộc vào các biến trứng như: thủng ruột, khó thở, tắc thở…
Vi khuẩn ăn thịt người
Bệnh nhân P.V.T, 40 tuổi, quê tỉnh Thái Bình, nhập viện ngày 12/4 trong tình trạng sốc nặng, viêm hoại tử lan tỏa khắp cánh tay bên trái. Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt, một ngày sau đó xuất hiện sưng nề cẳng tay trái rồi nhanh chóng lan rộng ra khắp cánh tay và lên vai. Sau khi điều trị 10 ngày, bệnh nhân thoát khỏi tình trạng sốc và nhiễm khuẩn huyết nhưng do hoại tử toàn bộ da cánh tay bên trái nên được chuyển đến Viện Bỏng Quốc gia để ghép da. Đây cũng là một trong số rất ít bệnh nhân nhiễm vi khuẩn ăn thịt người được cứu sống.
 Bệnh nhân bị vi khuẩn "ăn thịt"
Vi khuẩn ăn thịt người là loại vi khuẩn dạng hình que, phổ biến trong tự nhiên và thường có trong môi trường nước ngọt và nước lợ. Đây là loại vi khuẩn độc, chúng có thể xâm nhập cơ thể người qua đường miệng khi uống nước, ăn rau, cá, hải sản… rồi đi vào máu. Chúng sinh ra độc tố ruột, gây độc cho tế bào, làm tổn thương tổ chức cơ thể.
Trước đây, tỉ lệ tử vong có thể tới gần 100%. Ngày nay, nhờ những tiến bộ về hồi sức nên có thể hạn chế được phần nào tỷ lệ tử vong. Bệnh lí hiếm gặp nên người ta ít nghĩ đến bệnh do nguyên nhân này, vì thế dễ bỏ qua. Trong khi đó, bệnh diễn tiến rất nhanh, bệnh nhân hoại tử nhiều, dễ sốc nặng dẫn đến suy đa tạng, đe dọa tính mạng.
Lê Phương (TH)