|
Nhiều loại cây cỏ có tác dụng trị cảm mạo. |
Khi có triệu chứng do phong hàn thì đun nước xông với 3 loại lá: Loại lá có tinh dầu, sát trùng đường hô hấp như lá chanh, lá bưởi, lá tía tô, lá kinh giới, bạc hà, lá sả... Loại lá có tác dụng kháng sinh (hành, tỏi); Loại lá có tác dụng hạ sốt (lá tre, lá duối).
Ngoài ra, người bệnh có thể dùng hành để ăn, sắc uống. Hành là vị thuốc thông dụng trong nhân dân dùng làm thuốc ra mồ hôi, lợi tiểu, sát trùng, sắc lấy nước uống chữa chứng sốt, sốt rét, cảm, nhức đầu... Các nghiên cứu cho thấy, hành có tác dụng kích thích thần kinh, tăng sự bài tiết dịch tiêu hoá. Tinh dầu hành có tác dụng sát khuẩn mạnh, dùng ngoài chữa mụn nhọt, mưng mủ. Dùng nước hành nhỏ vào mũi có thể chữa được ngạt mũi cấp và mạn tính, viêm niêm mạc mũi.
Khi bị cảm mạo, đầu nhức, mũi ngạt thì dùng hành giã nát, thêm nước sôi vào rồi xông, hoặc cho hành vào cháo nóng mà ăn thì chóng khỏi. Mỗi lần dùng từ 30 - 60g dưới hình thức thuốc sắc hay giã nát ép lấy nước mà uống. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Ngoài hành, khi bị cảm, nên ăn nhiều rau gia vị trong đó có lá bạc hà bởi tinh chất của bạc hà vị cay mát, có tác dụng phát tán phong nhiệt, làm ra mồ hôi, giải uất, là thuốc thành lương chữa cảm nắng, đau bụng, bụng đầy, chứng ăn không tiêu. Để chữa cảm mạo nhức đầu, dùng lá bạc hà 6g, kinh giới 6g, phòng phong 5g, bạch chỉ 4g, hành hoa 6g. Lấy nước sôi đổ vào rồi chờ 20 phút, uống lúc đang nóng.
BS Kim Ngân (nguyên cán bộ Viện Y học Cổ truyền T.Ư)