|
Ảnh minh họa.
|
Thật ra, chất béo luôn quan trọng đối với sự phát triển của các trẻ. Trong cơ thể, chất béo ngoài nhiệm vụ cung cấp năng lượng, nó còn là dung môi hòa tan các vitamin tan trong dầu như vitamin A, vitamin D, vitamin E, vitamin K. Chất béo còn tham gia vào cấu trúc tế bào của một số tổ chức, đặc biệt là não, điều hòa các hoạt động của cơ thể. Hằng ngày, các trẻ cần được cung cấp đầy đủ năng lượng cần thiết để duy trì sự sống, để phát triển thể lực, trí não. Trong cơ thể, năng lượng được sinh ra từ chất bột đường, chất đạm và chất béo.
Năng lượng của chất béo chiếm bao nhiêu phần trăm trên năng lượng tổng số để phù hợp với sự phát triển của cơ thể tùy thuộc vào lứa tuổi của các bé, tỷ lệ này được Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị, với trẻ dưới 6 tháng thì tổng số năng lượng là 555kcal, trong đó năng lượng từ chất béo cần là 45 - 50%; trẻ 7 - 12 tháng tổng số năng lượng là 710kcal, năng lượng từ chất béo cần là 40%; trẻ 1 - 3 tuổi, tổng số năng lượng là 1.180kcal thì năng lượng từ chất béo cần là 35 - 40%; trẻ 4 - 6 tuổi, tổng số năng lượng là 1.470kcal, năng lượng từ chất béo cần là 20 - 25%. Theo đó, trẻ 3 tuổi cần 45 - 50g chất béo, trẻ từ 4 - 6 tuổi cần 30 - 40g chất béo.
Để cân đối hợp lý giữa các chất dinh dưỡng, bữa ăn của trẻ cần có đủ các thực phẩm thuộc 4 nhóm: Nhóm giàu chất bột đường (gạo, bánh mỳ, bún, nui); giàu đạm (thịt, cá, trứng); giàu chất béo (đậu phộng, mè, mỡ, dầu ăn); giàu vitamin và muối khoáng (rau, trái cây). Muốn đáp ứng được nhu cầu chất béo, ngoài chất béo có sẵn trong các loại thực phẩm, cần phải có thêm mỡ, bơ hoặc dầu ăn. Cụ thể là trẻ 3 tuổi thì một ngày cần uống 200ml nước, ăn 130 - 140g gạo, 300g rau, trái cây, 130g thịt/cá, 34 - 40g dầu ăn; trẻ 4 - 6 tuổi thì một ngày cần uống 200ml nước, ăn 240g gạo, 300g rau, trái cây, 150g thịt/cá, 20 - 25g dầu ăn.
Tuy nhiên, cần lưu ý là đây là số lượng thực phẩm đại diện cho từng nhóm. Khi thay đổi thực phẩm, bạn cần nhớ là chỉ thay thế các thực phẩm trong cùng một nhóm. Ví dụ, thay vì ăn cơm thì ăn bánh mỳ, bún, phở, nui. Thay vì ăn thịt thì ăn cá, tôm, lươn. Lượng chất béo trong các thực phẩm nhóm giàu đạm có sự khác nhau. Có thể chia làm hai loại: Loại ít chất béo như thịt bò, thịt heo nạc, cá thu, cá lóc. Loại nhiều chất béo như thịt ba rọi, cá ba sa...
Khi ăn thực phẩm giàu chất béo, bạn bớt lượng dầu ăn cho trẻ. Có thể thay dầu ăn bằng mỡ hoặc bơ với số lượng tương đương nhưng dầu ăn là chất béo nguồn gốc thực vật, nó có chứa nhiều axit béo không no nhiều nối đôi, tốt hơn cho sức khỏe của trẻ.
Cử nhân Tôn Nữ Thu Trang (Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM)