Báo cáo mới đây của Đại học Florida đưa ra lời giải thích chính xác tại sao con người không giống các loài linh trưởng khác: con người là động vật duy nhất có cằm.
Các nghiên cứu cho thấy bộ phận cằm của con người không phải là sự tiến hóa một cách ngẫu nhiên. Bộ phận này đã xuất hiện khoảng 2 triệu năm trước khi chúng ta trở nên thông minh hơn và bắt đầu biết nấu ăn.
Tác giả James Pampush chỉ ra rằng thực tế loài vượn và khỉ không có cằm. Tổ tiên của loài người đã sớm tách ra từ nhánh của loài linh trưởng trước khi tiến hóa.
|
Con người là động vật duy nhất có cằm. |
Một số nghiên cứu trước đó từng cho rằng sự phát triển của cằm ở người là một ví dụ hoàn toàn ngẫu nhiên của tính di truyền và không có mục đích tiến hóa.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây được công bố trên Tạp chí Journal of Human Evolution lại chứng minh, sự phát triển của cằm nhanh gấp 77 lần so với sự tiến hóa trung bình của các bộ phận cơ thể khác, do đó nó chắc chắn không phải là sự di truyền ngẫu nhiên.
Tiến sĩ Pampush ước tính rằng bộ phận cằm bắt đầu xuất hiện từ khoảng thời gian 6 triệu đến 200 nghìn năm trước, ước tính chính xác nhất là khoảng 2 triệu năm trước. Điều này trùng khớp với những bước tiến hóa nhảy vọt về trí tuệ của con người, liên quan đến những phát minh đột phá như nấu ăn.
Sự phát triển của chiếc cằm có thể là kết quả của việc răng và hàm bị thu hẹp. Bởi khi thức ăn được nấu chín, hàm và răng không cần thiết để nhai thịt sống và thực vật như trước đó.
"Tôi đoán là loài người xuất hiện chiếc cằm vào khoảng 2 triệu năm trước, khi đó con người đã biết nấu chín thức ăn, điều này cũng có thể liên quan đến não bộ", Tiến sĩ Pampush nói thêm.
Linh Chi (Theo Dailymail)