Xây dựng Trung tâm Quốc gia huấn luyện cấp cứu biển

Google News

(Kiến Thức) - Từ nay đến năm 2015 sẽ hoàn thành việc cấp thẻ BHYT cho toàn bộ cư dân trên đảo và xây dựng Trung tâm Quốc gia huấn luyện cấp cứu biển.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Y tế biển đảo: Phát triển bền vững và hiệu quả”, Chương trình tọa đàm được thực hiện sau một năm Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”.  Mục tiêu hướng tời của đề án là nhằm bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe, theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 (khóa X) về "Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020".
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi lễ triển khai đề án y tế biển, đảo Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) cho biết: “Một năm sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định 317/QĐ-TTg ngày 7/2/2013, lực lượng quân y đã sát cánh cùng Ngành Y tế chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân sinh sống trên các đảo và ngư dân làm ăn trên biển. Trong năm 2013, các cơ sở quân y trên tuyến biển, đảo đã khám bệnh chữa bệnh, cấp cứu cho hàng chục nghìn bệnh nhân, trong đó phần lớn là dân định cư trên đảo và ngư dân làm ăn trên biển. Bộ Quốc phòng đã điều động hàng chục chuyến máy bay chuyên cơ, tàu quân sự đưa Đoàn công tác Bộ Y tế khảo sát y tế biển, đảo và vận chuyển cấp cứu nạn nhân về đất liền an toàn”.
Tuy nhiên, sau khi triển khai và thực hiện đề án cũng đã nảy sinh một số khó khăn như việc, thiếu trang thiết bị y tế đặc thù phục vụ cấp cứu, vận chuyển trên biển, đảo còn khó khăn và thiếu; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, không đủ năng lực hoạt động khi có mưa bão chia cắt; nhân lực y tế cho các xã đảo, huyện đảo còn khó khăn, chưa có đủ đội ngũ cán bộ y tế chuyên ngành về y học biển. Ngoài ra, việc cấp thẻ BHYT cho cư dân trên đảo còn thấp, chỉ đạt gần 60%; phương thức chi trả, giá dịch vụ y tế chi việc cấp cứu, vận chuyển trên biển chưa hợp lý...
Trước những khó khăn trên, ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam cần sớm có sự đột phá mạnh mẽ và toàn diện hơn về công tác chăm sóc y tế cho người dân vùng biển, đảo để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế.
Đồng thời ông Tuấn cho rằng, “Đề án phát triển y tế biển, đảo đến 2020 và tầm nhìn đến 2030” trước hết cần tăng cường y tế dự phòng cho người dân vùng biển, đảo. Đó là tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế như phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, tiêm chủng mở rộng, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết hay các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường…
Mặt khác, tạo điều kiện cho người dân vùng biển, đảo tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh (hiện trên 80% tổng số gia đình có nhu cầu), nhất là dịch vụ y tế chất lượng cao. Cần áp dụng ưu tiên đào tạo, cử tuyển cho cán bộ y tế, nhân dân trên biển, đảo.
Với những mục tiêu trên, kế hoạch xây dựng và phát triển y tế biển đảo năm 2014 sẽ tập trung tổ chức và xây dựng các Dự án thành phần; đẩy mạnh công tác truyền thông; đảm bảo ngân sách, ưu tiên các sở ngành, huyện thị ven biển để triển khai tốt các hoạch động của đề án 317.
Trước mắt, từ nay đến năm 2015, hoàn thành việc cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho toàn bộ cư dân trên đảo; xây dựng Trung tâm Quốc gia huấn luyện cấp cứu biển, 4 trung tâm cấp cứu 115; trang bị y tế cho 1-2 tàu cảnh sát biển, 100% trung tâm y tế huyện đảo có đủ năng lực phòng chống dịch và tiêm chủng mở rộng; 90% cơ sở y tế huyện đảo, ven biển và ngành kinh tế biển có bác sĩ đủ năng lực cấp cứu, khám chữa bệnh các bệnh lý đặc thù biển…
Minh Hoàng